• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cảnh báo tình trạng rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu bia

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận điều trị gần 70 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, bia. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn. Đa số bệnh nhân nhập viện ở mức độ khá nặng, với các triệu chứng mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, như: la hét, chửi bới, ảo giác, rối loạn cảm xúc, thường xuyên có biểu hiện lo âu, hoảng sợ…

Bệnh nhân Hoàng Văn Luận, 40 tuổi, xóm Thanh Ngọc, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà vừa được nhập viện tại khoa Cấp tính nam, bệnh viện Tâm thần tỉnh trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác... Sau khi thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.  

Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân điều trị tại Khoa cấp tính nam

    

Chị Nguyễn Thị Thúy – vợ bệnh nhân chia sẻ: “Làm nghề tự do nên anh thường xuyên uống rượu. Thời gian gần đây anh chỉ uống rượu, chứ không ăn, không ngủ được và bị lên cơn động kinh, mê sảng. Gia đình đưa anh vào bệnh viện huyện và sau đó chuyển lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh để điều trị”.

Với bệnh nhân Trần Văn Lam, xóm Thanh Mỹ, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà thì đây không phải là lần đầu tiên ông đến điều trị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu tại bệnh viện Tâm thần tỉnh. Với thâm niên hơn 30 năm uống rượu, tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu thì tần suất ông vào nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần do rượu càng tăng lên. Ông chia sẻ: “ Tôi uống rượu hơn 30 năm rồi, sáng uống, chiều uống, tối uống. Trước đây uống rượu vào vẫn ăn uống bình thường nhưng mấy năm gần đây uống vào không ăn, không ngủ được, sức khỏe suy kiệt, tay chân run không điều khiển được”.

“Chồng tôi ở nhà đã xuất hiện các ảo giác, nửa đêm nhảy xuống ao bơi, la hét, hoảng sợ, không điều khiển được các hành vi của mình. Vì vậy, gia đình phải đưa vào bệnh viện Tâm thần để điều trị. Đây là lần vào viện thứ 4 để điều trị loạn thần do lạm dụng rượu của  ông ấy”, vợ của bệnh nhân Lam chia sẻ thêm.

Bác sỹ Benejjk viện Tâm thần Hà Tĩnh thăm khám, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân 

 

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình – Khoa Cấp tính Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh: “Thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu, bia. Hiện tại ở khoa đang điều trị cho 15 bệnh nhân rối loạn tâm thần, hành vi do lạm dụng rượu, bia. Hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu. Bệnh này cũng được gọi là "hội chứng cai rượu". Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh. Nặng hơn, có bệnh nhân còn lên cả cơn co giật như động kinh”.

Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp khó điều trị. Khi điều trị tại bệnh viện, các bác sỹ, điều dưỡng vừa phải theo dõi sát sao các diễn biến, biểu hiện của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc, vừa phải động viên tinh thần, hỗ trợ tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên việc điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận điều trị gần 70 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, bia.

 

“Thực tế, rất nhiều bệnh nhân tái nghiện, nhiều bệnh nhân thường xuyên vào viện điều trị do các rối loạn tâm thần do rượu. Vì vậy, để không tái nghiện rượu, bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần, gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà”, Bs Nguyễn Hồng Phúc – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh nhấn mạnh.

Tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, với những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bằng cách sử dụng rượu bia một cách an toàn.

Các biện pháp phòng ngừa nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu: Trang bị kiến thức về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống. Duy trì lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Trường hợp phải uống rượu, nên sử dụng an toàn với liều lượng và tần suất phù hợp. Học cách kiểm soát căng thẳng một cách lành mạnh sẽ giúp hạn chế việc sử dụng rượu bia, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Khi nhận thấy những người xung quanh sử dụng rượu thường xuyên, cần đưa ra lời khuyên kịp thời. Nếu cần thiết, nên khuyến khích họ đến bệnh viện để được điều trị trong thời gian sớm nhất...

 

                     Thu Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.418
Tháng 05 : 125.246
Năm 2024 : 844.545
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.643.059