• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ấm lòng cùng blouse trắng (Bài 1): Mở đường ứng dụng kỹ thuật khó, tìm cơ hội sống cho người bệnh

Tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật cao từ tuyến Trung ương để triển khai tại các cơ sở y tế trong tỉnh là yêu cầu, mục tiêu xuyên suốt nhằm nâng cao năng lực cấp cứu, điều trị, phục hồi cho bệnh nhân. Hành trình thực hiện mục tiêu đó được ví như những con dốc cao và người mở đường phải hội đủ năng lực, bản lĩnh, tình yêu nghề cùng trách nhiệm cao nhất với bệnh nhân.

17 năm gắn bó với Khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh là chừng đó thời gian bác sỹ Nguyễn Xuân Thái (SN 1980) - Trưởng khoa đã cùng các đồng nghiệp tiếp nhận, cấp cứu, giành giật sự sống cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân. Ở đây, mỗi ngày số bệnh nhân cấp cứu lên tới gần 150 người, cao điểm đến hơn 200 bệnh nhân, trong khi đơn vị chỉ có 10 bác sỹ, 41 điều dưỡng và hộ lý. Ngoài ra, khoa còn đảm nhận việc lọc máu cho gần 300 bệnh nhân suy thận. Trong môi trường làm việc nhiều áp lực ấy, để có thêm cơ hội giành, giữ tính mạng cho bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Xuân Thái là một trong những người đi đầu tiếp cận kỹ thuật khó ở các bệnh viện tuyến Trung ương để áp dụng tại tuyến tỉnh. Sau hàng chục khóa học nâng cao tay nghề tại các bệnh viện lớn trong cả nước, nhiều kỹ thuật cao đã được bác sỹ Thái cùng đồng nghiệp ứng dụng trong cấp cứu đột quỵ, tai biến mạch máu não như kỹ thuật dẫn lưu não thất giúp điều trị cho bệnh nhân xuất huyết não; kỹ thuật siêu âm xuyên sọ Doppler; kỹ thuật tiêu sợi huyết dùng cho bệnh nhân điều trị nhồi máu não cấp; kỹ thuật can thiệp mạch não; kỹ thuật lọc máu hấp phụ…

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

 

“Khung giờ vàng để điều trị cho bệnh nhân nhồi máu não cấp rất ngắn, dưới 3 giờ, có thể mở rộng lên 4-5 giờ ở một số bệnh nhân. Bệnh nhân đến viện và được can thiệp càng sớm càng tốt bởi mỗi phút trôi qua có đến 1,9 triệu tế bào não chết và không hồi phục. Nhiều tình huống di chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên là không khả thi, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, khi những kỹ thuật khó ở tuyến trên được triển khai tại bệnh viện tỉnh sẽ giúp tăng tỷ lệ sống cho người bệnh. Cơ hội sống của con người dẫu chỉ 1% cũng là vô giá, đòi hỏi bác sỹ phải nỗ lực hết mình” - bác sỹ Thái trải lòng.

Tiên phong mở đường, bác sỹ Thái cùng đồng nghiệp đã liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực như thiếu dụng cụ, chi phí triển khai và cả tỷ lệ thành công của từng ca bệnh. Thế nhưng, vượt lên tất cả, tự tin vào kiến thức và tay nghề của mình, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ban Giám đốc bệnh viện và sự tin tưởng của người nhà bệnh nhân, bác sỹ Thái đã mang đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Nhiều kỹ thuật cao đã được bác sỹ Thái cùng đồng nghiệp ứng dụng trong cấp cứu đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Bác sỹ Thái là “đầu tàu” dẫn dắt, khích lệ tinh thần đam mê học hỏi, nâng cao tay nghề cho các y, bác sỹ trẻ.

 

“Tôi nhớ mãi ca dẫn lưu não thất đầu tiên được thực hiện tại BVĐK tỉnh vào năm 2013 cho một bệnh nhân nữ 50 tuổi ở xã Hương Trạch (Hương Khê), hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chi phí của kỹ thuật này khá cao và chưa được bảo hiểm chi trả, trong khi tỷ lệ thành công về lý thuyết chỉ là 50%. Tuy nhiên, lúc này nếu không can thiệp thì bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội sống, bởi vậy, sau khi nhận được sự đồng thuận của gia đình, tôi đã quyết định thực hiện dẫu cảm thấy vô cùng áp lực. May mắn là kỹ thuật thực hiện thành công, bệnh nhân sau đó được điều trị khỏi và đã hồi phục các chức năng. Từ đó tới nay, kỹ thuật dẫn lưu não thất đã được chuyển giao tại các cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện, qua đó, cấp cứu kịp thời, cứu sống nhiều bệnh nhân” - bác sỹ Thái chia sẻ.

Video: Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái trải lòng về những áp lực để giành giật sự sống cho người bệnh.

Thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, khó, bác sỹ Nguyễn Xuân Thái đã trưởng thành ở vị trí lãnh đạo Khoa Cấp cứu chống độc và trở thành “đầu tàu” dẫn dắt, khích lệ tinh thần đam mê học hỏi, nâng cao tay nghề cho các y, bác sỹ trẻ. Là một trong những người được bác sỹ Thái đào tạo, định hướng tiếp cận kỹ thuật cao, bác sỹ Nguyễn Trọng Tuyến (SN 1993) - Khoa Cấp cứu chống độc chia sẻ: “Khi được lựa chọn giao nhiệm vụ tiếp cận kỹ thuật mới, bản thân tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng nhưng quá trình triển khai luôn có các bác sỹ đi trước truyền động lực và đồng hành, cùng chịu trách nhiệm nên tôi dần tự tin hơn. Hiện nay, chúng tôi đang học tập và từng bước triển khai các kỹ thuật can thiệp mạch não với thời gian học tập, chuyển giao khá dài từ năm 2022-2030 và phải làm từng bước. Bước đầu tiên là chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp vừa được ứng dụng thành công vào tháng 2 năm nay. Trưởng khoa Nguyễn Xuân Thái thường động viên chúng tôi rằng, thực hiện chuỗi kỹ thuật khó này là hành trình mơ ước và hãy chấp nhận gian khổ, áp lực để từng bước áp dụng nhằm mang đến cơ hội phục hồi tốt nhất cho người bệnh”.

Ấm lòng cùng blouse trắng (Bài 1): Mở đường ứng dụng kỹ thuật khó, tìm cơ hội sống cho người bệnh

Nói về người đồng nghiệp giàu tâm huyết, bác sỹ Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần sáng tạo, tích cực nghiên cứu khoa học, áp dụng những kỹ thuật mới, khó vào chẩn đoán, điều trị, bác sỹ Thái còn là người có năng lực tập hợp, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, nhờ đó đã phát huy được sức mạnh đoàn kết để xây dựng tập thể khoa vững mạnh”.

Những câu từ hãy còn vấp váp, đứt quãng nhưng sau khi hồi tỉnh, lời đầu tiên bà Đinh Thị Mai Hương (SN 1950) - Việt kiều Cộng hòa Séc đã cố gắng diễn đạt là bày tỏ cảm ơn bác sỹ Phạm Thị Phương - Phó Giám đốc và các y, bác sỹ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh.

Bác sỹ Phạm Thị Phương - bác sỹ Chuyên khoa 1, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh.

 

Bà Hương định cư ở Cộng hòa Séc đã 24 năm. Năm 2021, bà không may mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO, có lúc phải cấp cứu ngừng tuần hoàn. Đến giữa năm 2022, quá trình điều trị bệnh không chuyển biến, bà bị liệt tứ chi, không thể trò chuyện, cử động khó, nên quyết định trở về quê hương Hà Tĩnh. Từ tháng 9/2022, bà bắt đầu điều trị tại Bệnh viện PHCN tỉnh. Tại đây, bác sỹ Phương là người đã tiếp nhận và theo suốt quá trình điều trị bệnh của bà. Cùng với tập phục hồi chức năng, bà Hương được tiêm Botox kiểm soát co cứng, nhờ đó, bệnh tình ngày càng biến chuyển tốt hơn. Đến nay, tứ chi đã hoạt động được, cử động mặt linh hoạt, trí nhớ phục hồi, tự ngồi được và có thể nói chuyện những câu ngắn.

Bác sỹ Phương (người đứng ngoài cùng bên trái) luôn theo sát quá trình điều trị bệnh của bà Hương.

 

Tiêm Botox kiểm soát co cứng là một trong những kỹ thuật mới và khó đã được Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh triển khai từ năm 2022. Trong đó, bác sỹ Phạm Thị Phương là một trong những người trăn trở và đề xuất đưa phương pháp này về với Hà Tĩnh. Với kỹ thuật này, các bệnh nhân bị tổn thương sọ não, tai biến, chấn thương tủy sống, bệnh nhân co rút không thể đi lại đã có cơ hội được điều trị ngay ở bệnh viện tuyến tỉnh thay vì phải chuyển lên các bệnh viện Trung ương, giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.

Tiêm Botox kiểm soát co cứng là một trong những kỹ thuật mới và khó đã được Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh triển khai từ năm 2022. Trong đó, bác sỹ Phạm Thị Phương là một trong những người trăn trở và đề xuất đưa phương pháp này về với Hà Tĩnh. Với kỹ thuật này, các bệnh nhân bị tổn thương sọ não, tai biến, chấn thương tủy sống, bệnh nhân co rút không thể đi lại đã có cơ hội được điều trị ngay ở bệnh viện tuyến tỉnh thay vì phải chuyển lên các bệnh viện Trung ương, giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.

Bác sỹ Phương là người tham mưu, xây dựng kế hoạch để tổ chức các cuộc thi chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ điều dưỡng, bác sỹ.

 

Bác sỹ Phạm Thị Phương (SN 1981), hiện là Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội đồng Khoa học của bệnh viện. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Phương trở về công tác tại BVĐK tỉnh, đến năm 2017, chuyển về công tác tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của bệnh viện, hằng năm, bác sỹ Phương đã chỉ đạo các khoa triển khai nhiều kỹ thuật mới như: can thiệp nhóm tăng vận động để điều trị trẻ tự kỷ, tăng động, chậm nói; kỹ thuật chỉnh hình; triển khai đo điện cơ; từ trường xuyên sọ; từ trường kích thích liền xương… Chị cũng là người tham mưu, xây dựng kế hoạch để tổ chức các cuộc thi chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ điều dưỡng, bác sỹ.

Ấm lòng cùng blouse trắng (Bài 1): Mở đường ứng dụng kỹ thuật khó, tìm cơ hội sống cho người bệnh

Bác sỹ Phương chia sẻ: “Đặt lợi ích của người bệnh và hiệu quả điều trị lên hàng đầu, tôi luôn tâm niệm, đổi mới có thể thành công hoặc thất bại nhưng không đổi mới chính là mình đang lùi lại ở phía sau. Chúng tôi đã thành công khi quyết tâm ứng dụng kỹ thuật mới để phát triển phục hồi chức năng theo hướng chuyên sâu, xứng tầm bệnh viện tuyến tỉnh chuyên ngành”. “Ngọn lửa” tinh thần đổi mới trong phát triển kỹ thuật phục hồi chức năng đã giúp Bệnh viện PHCN tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng điều trị, thu hút số lượng lớn bệnh nhân, vững bước trên lộ trình tự chủ.

Giản dị trong cuộc sống đời thường, gần gũi, ân cần với đồng nghiệp và luôn đam mê sáng tạo, tiên phong triển khai các kỹ thuật mới, bác sỹ Dương Văn Vịnh (SN 1989) - Phó Trưởng khoa Ngoại (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) là một trong những tấm gương trẻ tiêu biểu ở tuyến huyện.

Xuất thân từ gia đình nông dân ở xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), chứng kiến những người thân của mình khi ốm đau, bệnh tật phải vất vả trong quá trình chữa trị, bác sỹ Dương Văn Vịnh đã tích cực nâng cao tay nghề bằng việc theo học các khóa tập huấn, đào tạo sau đại học và học hỏi các đồng nghiệp đi trước. Anh cũng thường xuyên tham gia vào việc hội chẩn từ xa, tham gia vào các ca mổ chuyển giao kỹ thuật.

Bác sỹ Dương Văn Vịnh, Phó Trưởng khoa Ngoại BVĐK thành phố Hà Tĩnh.

 

Bác sỹ Vịnh là một trong những bác sỹ đầu tiên của BVĐK thành phố Hà Tĩnh học chuyển giao và triển khai kỹ thuật tán sỏi niệu quản 1/3 trên. Với kỹ thuật này, bệnh nhân tán sỏi không cần mổ mở, giúp khả năng phục hồi nhanh hơn, tỷ lệ sạch sỏi đạt 84-94%. Kỹ thuật tán sỏi niệu quản 1/3 trên hiện chỉ được triển khai ở khoảng 10 cơ sở y tế và BVĐK thành phố là một trong những bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của cả nước triển khai kỹ thuật này. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật mới khác như: phẫu thuật nang giáp móng; nội soi ống mềm tán sỏi bể thận; phẫu thuật nội soi cắt túi mật viêm cấp; phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn; phẫu thuật thay khớp háng toàn phần... cũng được anh học tập và về triển khai tại khoa. Qua đó, góp phần giúp BVĐK thành phố từng bước làm chủ các kỹ thuật mới và nâng cao chất lượng chữa trị cho bệnh nhân.

Bác sỹ Vịnh (người thứ 2 bên phải sang) là một trong những bác sỹ ở bệnh viện tuyến huyện tiên phong triển khai các kỹ thuật mới.

 

Bác sỹ Vịnh thăm khám cho bệnh nhân người nước ngoài đang điều trị tại khoa (ảnh trái). Anh là một trong những bác sỹ đầu tiên của bệnh viện học chuyển giao và triển khai kỹ thuật tán sỏi niệu quản 1/3 trên (ảnh phải).

 

Gần đây nhất, chứng kiến tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp phải chuyển tuyến nhiều, tháng 10/2022, bác sỹ Vịnh đã theo học kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua đường miệng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đây là kỹ thuật khó, chưa được triển khai tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, thế nhưng, sau hơn 3 tháng theo học, đến nay, bác sỹ Vịnh đã có thể thực hiện kỹ thuật này tại BVĐK thành phố. Bác sỹ Vịnh chia sẻ: “Trong y khoa có rất nhiều kỹ thuật mới, khó để kỳ vọng mình nắm bắt được tất cả nhưng tôi luôn nỗ lực học hỏi để phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Trong năm nay, tôi sẽ tiếp tục học kỹ thuật lấy sỏi thận qua da và tham gia thêm các ca mổ chuyển giao kỹ thuật, hội chẩn từ xa”.

Không ngừng nỗ lực, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, dốc sức ứng dụng KHKT mới nhằm mang lại chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, những bác sỹ say nghề, giàu tâm huyết đang từng ngày, từng giờ viết nên nhiều câu chuyện cảm động, ấm lòng, góp phần làm nên bức tranh về nền y tế đổi mới, hiện đại, nhân văn, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.


Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.432
Tháng 12 : 169.261
Năm 2024 : 2.969.849
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.768.363