• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam – hành trình vẻ vang và tự hào

Cách đây 70 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế và ngày 27/2 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

70 năm thực hiện lời Bác dạy, Ngành Y tế Hà Tĩnh đã nỗ lực, vượt khó, phát triển toàn diện, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; là điểm sáng của cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; được Bộ Y tế và tỉnh đánh giá cao.

Lớp đào tạo hộ lý, nữ y tá Bệnh viện Lam Kiều (xã Kim Song Trường, Can Lộc)

Truyền thống vẻ vang

Trong suốt 70 năm làm theo lời Bác dạy, ngành Y tế Hà Tĩnh đã bước qua một chặng đường đầy thử thách cam go, nhưng cũng rất đỗi tự hào.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành Y tế Hà Tĩnh vừa làm tốt công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện cơ bản để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đồng thời đã cùng cả nước tập trung toàn bộ nguồn nhân tài, vật lực phục vụ cho tiền tuyến, đảm bảo phục vụ tốt chăm sóc thương bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh. Nhờ tích cực phòng chống và điều trị, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hà Tĩnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, một số ổ dịch nhỏ lẻ đã được dập tắt kịp thời. Sức khỏe của nhân dân được đảm bảo,  tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần xứng đáng vào thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục được củng cố để phù hợp với tình hình thời chiến. Song song với việc tăng cường cán bộ cho cơ sở, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, Ngành cũng đã thực hiện tốt việc chi viện nhân tài vật lực, thuốc men cho chiến trường miền Nam. Nhiều bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế đã xung phong vượt Trường Sơn vào Nam vào phục vụ chiến đấu. Đã có nhiều cán bộ nhân viên y tế Hà Tĩnh đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương và ở các chiến trường miền Nam khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu chiến thương, điều trị cho thương binh. Sự hy sinh của các cán bộ y tế tỉnh nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của ngành Y tế nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Với những cống hiến to lớn, cán bộ nhân viên ngành y tế Hà Tĩnh và các đơn vị đã được Đảng và nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như, Huân chương Chiến công, Huân chương kháng chiến …. ngành Y tế Hà Tĩnh được Bộ Y tế tặng cờ đơn vị xuất sắc, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thành tựu rực rỡ

Sau ngày đất nước thống nhất, Ngành Y tế đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Trong công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế Hà Tĩnh đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của tỉnh hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, cảng biển; giám sát dựa trên sự kiện; đảm bảo năng lực giám sát xét nghiệm, là một trong những tỉnh có hệ thống phòng xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm và COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 đã thực hiện hơn 650 nghìn mẫu xét nghiệm, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

Triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh (Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh giám sát phòng chống dịch Sốt xuất huyết tại thị xã Kỳ Anh)

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, cụ thể như thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.... Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ năm 2020-2023, hàng nghìn cán bộ y tế trong toàn tỉnh đã ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng dịch và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 lớn nhất trong lịch sử.... Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, ngành y tế và đặc biệt hệ thống y tế dự phòng, Hà Tĩnh đã khống chế, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không có dịch bệnh lớn xảy ra, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh. Hà Tĩnh cũng đã kiểm soát, khống chế thành công một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như SARS, cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV...

Việc duy trì tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt từ 94 – 98%; tỷ lệ tiêm viêm gan B trước 24 giờ sau sinh luôn đạt trên 90%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Đến năm 2024 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân  giảm còn 7,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi là 13,5%.

Duy trì tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt từ 94 – 98%;

Năm 2018, Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu cả nước trong việc triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đã đạt trên 95%. Ngành y tế cũng đẩy mạnh khám phát hiện và  quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình. Đến nay đã có 100% xã thực hiện quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, 52% xã triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường, 100% xã triển khai phần mềm bệnh không lây nhiễm.

Trong những năm qua, mạng lưới y tế ở Hà Tĩnh đã được củng cố, phát triển tương đối hoàn chỉnh. Cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân tỉnh nhà.

Bệnh viện ĐK thị xã Kỳ Anh từng bước bổ sung đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh

Tuyến tỉnh hiện có 6 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; tuyến huyện có 11 trung tâm y tế 3 chức năng, 01 trung tâm y tế 2 chức năng và 02 bệnh viện đa khoa; tuyến xã có 209 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tỷ lệxã, phường, thị trấn đạt và giữ vững tiêu chí quốc giavề y tế là 100%; số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc đạt 90%; 100% thôn, xóm có nhân viên y tế. 

Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập có 358 cơ sở (03 bệnh viện đa khoa và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế)

Tổng số giường bệnh kế hoạch trên toàn tỉnh là 4.229 giường bệnh (tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân, đạt 31,5GB/10.000 dân); tỷ lệ bác sỹ/ vạn dân= 11,6 Bs/10.000 dân. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh từ tỉnh đến các xã, hằng năm khám và điều trị ngoại trú cho gần 1,8 triệu lượt, điều trị cho hơn 330.000 lượt người bệnh, thực hiện hàng ngàn ca thủ thuật, phẫu thuật. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật loại đặc biệt, loại 1.

Triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi u nang thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh

Phát huy những kết quả đã đạt được các giai đoạn trước trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để cải tiến chất lượng bệnh viện; từ năm  2015 lại nay ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Với sự trợ giúp của các trang thiết bị công nghệ hiện đại, nhiều cơ sở KCB trong tỉnh đã triển khai ứng dụng thành công rất nhiều kỹ thuật mới về chẩn đoán, điều trị, trong đó có nhiều kỹ thuật cao của tuyến trung ương như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thoát vị, gãy, xẹp đốt sống; phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư, hỗ trợ sinh sản (IVF), chụp và can thiệp động mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hoá xóa nền (DSA), xạ trị ung thư điều trị ung thư bằng hệ thống SPECT, Khoa Hoá sinh của bệnh viện là phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 15.189,…Nhờ đó nhiều ca bệnh hiểm nghèo đã được cấp cứu, điều trị thành công ngay tại tuyến tỉnh và tuyến cơ sở, giảm chi phí và thời gian điều trị, đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người dân.

Đưa vào sử dụng Khu xạ trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tháng 12/2024, ngành Y tế Hà Tĩnh cũng đã khai trương đưa vào sử dụng Khu xạ trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đánh dấu bước tiến mới của ngành Y tế Hà Tĩnh trong việc ứng dụng, điều trị ung thư. Dự kiến, mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, giảm khó khăn, tốn kém cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân tỉnh nhà.

Bệnh viện ứng dụng từ trường trong điều trị PHCN mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh

Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như: bệnh viện Phục hồi chức năng, bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh viện Mắt, bệnh viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Phổi cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng điều trị. Trong đó việc khám sàng lọc tại cơ sở và phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương để chuyển giao các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám và điều trị được coi là mũi nhọn phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã có những bước đi vững chắc, từng bước thực hiện công tác tự chủ về tài chính… nâng cao vị thế của ngành y tế tỉnh nhà.

Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm chú trọng (kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh)

Công tác Dân số đã đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác bảo đảm ATTP, quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập được quan tâm đẩy mạnh.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chín , chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tốt. Đề án 06 đã được ngành triển khai sâu rộng trong toàn ngành, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan: 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoạt động khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VneID, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; triển khai hiệu quả việc liên thông khám sức khỏe cho lái xe tại 19/19 cơ sở y tế và được liên thông kết quả giấy khám sức khỏe lên cổng bảo hiểm xã hội và Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai tốt việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử.

Làm theo lời Bác, nhiều tập thể, đơn vị, cá nhân trong ngành đã được Đảng, nhà nước, các bộ, ngành trung ương và tỉnh khen thưởng: có 2 tập thể được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; có 5 người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 94 người được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những người chiến sỹ áo trắng trong suốt chặng hành trình thực hiện lời Bác dạy.

Công tác cải cách hành chín, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến tích cực (lấy số tự động khám bệnh tại các cơ sở y tế)

Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Y tế cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi; nguồn lực đầu tư dành cho y tế giảm trong khi nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế là rất lớn; chất lượng KCB tại cơ sở chưa đồng đều; công tác quản lý an toàn thực phẩm, quản lý hành nghề y tế ngoài công lập còn khó khăn ….

Nhận thức được vai trò vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành Y tế xác định tiếp tục tập trung tăng cường kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh khác. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chú trọng nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện cải cách mạnh mẽ, toàn diện thủ tục hành chính, xây dựng y tế thông minh; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển y tế. Tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác xã hội hóa về y tế thu hút đầu tư phát triển hệ thống y tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ôn lại những trang sử vẻ vang, chặng đường phát triển và trưởng thành của ngành Y tế Hà Tĩnh, chúng ta rất đỗi tự hào về truyền thống vinh quang của Ngành, về những chiến sĩ áo trắng với sự hy sinh thầm lặng đang dồn hết tâm sức, trí tuệ, tình thương yêu để chiến đấu chống lại nỗi đau, con bệnh, giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật, dành lại sự sống, niềm vui hạnh phúc, đem lại sức khỏe, mạch sống cho đời.

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa trong nước, thế giới ngày càng phát triển, cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục “Đoàn kết - Kỷ cương - Lương tâm - Trách nhiệm - Năng động, sáng tạo để đổi mới, phát triển”, xây dựng nền y tế hiện đại, thông minh, góp phần số hóa công tác quản lý điều hành và các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà./.

Bs. Nguyễn Minh Đức – TUV, Giám đốc Sở Y tế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.618
Tháng 03 : 154.731
Năm 2025 : 480.471
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.307.755