Đột phá y học: Lần đầu thử nghiệm thành công dạ con nhân tạo
Thống kê cho thấy tỉ lệ sống sót của trẻ sinh non dưới 23 tuần tuổi gần như là 0%, nhưng thành công nêu trên có thể mở đường cho ứng dụng giữ lấy mạng sống của trẻ sinh non.
Đội ngũ nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) đã đăng kết quả thành công ban đầu này trên tạp chí Nature Communications. Việc một chú cừu sinh non có thể sống 4 tuần trong dạ con nhân tạo đã trở thành phát hiện đột phá mới trong y học.
Theo BBC, dạ con nhân tạo này bao gồm hỗn hợp được tạo ra gần giống với nước ối, để nuôi dưỡng và bảo vệ cho bào thai. Nước ối nhân tạo được bào thai tiếp thụ trong môi trường tương tự như tử cung thật của mẹ.
Chú cừu sinh non được nuôi dưỡng trong dạ con nhân tạo không tiếp nhận dưỡng chất qua nhau thai mà thay vào đó, một chiếc máy đặc biệt sẽ đảm nhận nhiệm vụ này.
Cả hệ thống dạ con nhân tạo này hoạt động dựa trên cơ chế giống với tự nhiên do vậy sẽ tạo thêm thời gian giúp chú cừu sinh non phát triển các nội tạng.
Một trong những rủi ro từ dạ con nhân tạo là sự nhiễm trùng, ngay cả khi “túi sinh học” này được khép kín và vô trùng thì mối nguy hiểm tiềm tàng vẫn có thể ập tới.
Sự thay đổi của chú cừu sinh non sau một thời gian sống trong dạ con nhân tạo. |
Theo các chuyên gia, thành công đầu tiên sẽ mở đường cho việc ứng dụng dạ con nhân tạo nhằm cứu sống trẻ sinh non. Tuy nhiên sẽ phải mất vài năm nữa dạ con nhân tạo mới có thể được thử nghiệm ở con người.
Theo BBC, tỉ lệ sống sót của trẻ em sinh non dưới 23 tuần tuổi gần như ở mức 0%, ở 24 tuần tuổi là 55% và 25 tuần tuổi là 80%.
Theo: VOV