Tuân thủ khuyến cáo, chủ động phòng ngừa bệnh cúm
Theo thống kê chưa đầy đủ, 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 7.436 trường hợp mắc bệnh cúm. Đây là giai đoạn giao mùa, khí hậu nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút gây bệnh về đường hô hấp phát triển. PV Báo Hà Tĩnh trao đổi với ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về nguyên nhân, cách nhận biết, biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh cúm.

- Bệnh cúm đang lưu hành khá phổ biến trong cộng đồng. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân và cách nhận biết?
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do các chủng vi-rút gây nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 5-10% người trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em nhiễm bệnh, trong đó, có 3-5 triệu trường hợp biến chứng nặng và khoảng 250-500 nghìn người tử vong. Việt Nam cũng có khoảng 1,5-1,8 triệu người mắc hội chứng cúm.
Về dịch tễ học, bệnh rất dễ lây và lây rất nhanh trong cộng đồng. Trong các vụ dịch, có đến 30-60% dân cư trong vùng có dịch bị mắc bệnh. Các vụ dịch xuất hiện không theo chu kỳ rõ ràng. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Người bệnh có thể lây cho người khác từ 6 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 1-2 tuần sau khởi bệnh.
Sự thay đổi kháng nguyên (nhất là vi-rút typ A) làm giảm khả năng miễn dịch của những người đã từng mắc cúm, do đó, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng, gây nên những vụ dịch, thậm chí là đại dịch nếu sự thay đổi kháng nguyên nhiều và đột ngột. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, từ cuối thu đến mùa xuân năm sau. Dịch đạt đến cao điểm 1-2 tuần sau khi khởi đầu và kéo dài khoảng 1 tháng.
Trường hợp tử vong thường xảy ra ở những người có nguy cơ bị biến chứng cao. Đó là người già yếu (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, có các bệnh về chuyển hóa, tim phổi mạn tính, suy thận mạn, những người suy giảm miễn dịch.
Bệnh cúm thường kéo dài 1-3 ngày, trung bình 48 giờ. Bệnh khởi phát đột ngột với các biểu hiện như: sốt cao 39-40 độ, ớn lạnh, nhức đầu, sổ mũi, đau cơ, mệt mỏi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp hội chứng nhiễm trùng, đau lan tỏa với các triệu chứng như: mệt mỏi toàn thân, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, viêm đường hô hấp trên, nhức hốc mắt, đau vùng trán hay thái dương. Bệnh thường tự hồi phục trong vòng 4-7 ngày khi không có biến chứng. Tuy nhiên, tình trạng chán ăn, ho và mệt mỏi còn kéo dài đến 3 tuần sau, nhất là ở người già.
- Bệnh cảm cúm có gây biến chứng nguy hiểm không, cách chữa trị, phòng ngừa như thế nào, thưa ông?
Cảm cúm là bệnh thông thường, nhưng nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời, có thể gây một số biến chứng như: bội nhiễm phế quản - phổi do vi khuẩn, đây là biến chứng thường gặp nhất. Bội nhiễm tai - mũi - họng chủ yếu ở trẻ em. Ngoài ra, một số biến chứng hiếm gặp như: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng não, sẩy thai ở phụ nữ có thai, tổn thương tế bào gan và thận.
Bệnh cúm không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và các biến chứng. Người mắc cúm cần được nâng cao thể trạng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống và bù đủ nước; không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có Salicylate khác, nhất là đối với trẻ em. Nếu bệnh nhân sốt cao, hạ nhiệt bằng Paracetamol 500 mg x 3-4 lần/ngày. Vitamin C, 1g/ngày. Các thuốc điều trị triệu chứng (kháng histamin, long đờm, giảm ho...) chỉ dùng khi cần thiết. Nếu ho khan và đau sau xương ức, có thể dùng Codeine, 16-64 mg cách 4-6 giờ. Đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao (trẻ sơ sinh, người già, người suy hô hấp mạn tính, suy tim...), có thể cho kháng sinh phòng bội nhiễm.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế như: giữ gìn vệ sinh cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, chủ động đến trung tâm y tế dự phòng tỉnh/huyện, thị xã, thành phố để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh cúm hoặc nghi ngờ mắc khi không cần thiết.
Theo: Báo Hà Tĩnh