Diệt muỗi, bọ gậy: chống được Zika và sốt xuất huyết
Ngành y tế đã nâng mức độ phòng chống dịch bệnh do virut Zika lên mức có ca bệnh, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, số người nhiễm virut Zika có thể sẽ tăng, đòi hỏi các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng phải đẩy mạnh các biện phòng chống dịch.
Những phụ nữ mang thai nào cần đi xét nghiệm phát hiện virut Zika?
Ngay sau khi công bố Việt Nam đã có hai trường hợp nhiễm virut Zika, Bộ Y tế đã ngay lập tức ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virut Zika. Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế đã nhấn mạnh: Một phụ nữ mang thai khi tính đến phương án xét nghiệm Zika thì chỉ nên thực hiện nếu đang mang thai trong ba tháng đầu có dấu hiệu: sốt phát ban hoặc các triệu chứng đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc; đang sinh sống hoặc đã đến những vùng có dịch; đã quan hệ với chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với Zika.
Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ trong bối cảnh dịch bệnh Zika khi thực hiện khám cho thai phụ cần hỏi rõ tiền sử, các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và hình thái học của thai nhi để phát hiện đầu nhỏ. Với những phụ nữ mang thai đã xét nghiệm có kết quả dương tính với virut Zika nhưng khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và bất thường về não, các bệnh viện cần tiếp tục chăm sóc, theo dõi trước khi siêu âm lại để đưa ra hướng xử trí phù hợp. Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ và bất thường về não, cần chuyển thai phụ đến những cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, sàng lọc bệnh bẩm sinh. Khi đã xác định thai nhi bị tật đầu nhỏ, cơ sở y tế phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn cho thai phụ và gia đình để họ tự đưa ra quyết định...
Muỗi truyền bệnh Zika tồn tại phổ biến ở Hà Nội
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh do virut Zika, chiều ngày 6/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TP. Hà Nội đã tổ chức họp với sự tham dự của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý. Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức giám sát 2.790 lượt tại 62 bệnh viện, 839 lượt tại cộng đồng và hiện chưa ghi nhận ca bệnh do virut Zika trên địa bàn. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập Hà Nội là rất lớn, bởi theo muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do virut Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội. Hiện 584 xã, phường của thành phố đều có sự lưu hành muỗi Aedes.
Tại cuộc họp, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, không phải công tác phòng chống dịch của Hà Nội không tốt nhưng thời gian qua đây cũng là địa phương xảy ra nhiều dịch bệnh do địa bàn rộng, đông dân cư, sự giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước lớn. Do đó, nguy cơ dịch bệnh Zika xâm nhập Hà Nội cũng không loại trừ. “Tháng 4 thời tiết thường nắng nóng cũng là mùa dịch sốt nên Hà Nội không triệt để phòng chống thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất lớn. Riêng đối với việc phun hóa chất diệt bọ gậy, muỗi cũng phải đảm bảo đúng kỹ thuật mới hiệu quả. Nếu Hà Nội làm tốt việc tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy đúng kỹ thuật sẽ làm tốt việc “một mũi tên trúng hai đích”, đó là vừa phòng chống dịch sốt xuất huyết vừa phòng chống virut Zika” - Cục trưởng Trần Đắc Phu lưu ý.
Xét nghiệm virut Zika ở đâu?
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, 3 viện Pasteur ở Việt Nam và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều có đủ khả năng giám sát, phát hiện virut Zika. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virut Zika của Bệnh viện BV Nhiệt đới TW và BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, thậm chí có thể tập huấn, mở rộng thêm một số cơ sở khác được xét nghiệm virut Zika nếu đủ khả năng thực hiện và trong trường hợp dịch bệnh này lan rộng. Những người nghi nhiễm virut Zika có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Những đối tượng nghi ngờ sẽ được lấy mẫu gửi tới các viện Pasteur để xét nghiệm bệnh.
Theo: Báo SKĐS