Ngày sức khỏe thế giới 7/4/2016: Mở rộng phòng ngừa, tăng cường chăm sóc và giám sát bệnh tiểu đường
Tổ chức y tế Thế giới ước tính năm 2008 có khoảng 347 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường và tỷ lệ hiện mắc bệnh này ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Năm 2012, căn bệnh này là nguyên nhân trực tiếp của khoảng 1,5 triệu người tử vong, và hơn 80% xảy ra tại các nước có mức thu nhập thấp và trung bình. Dự báo bệnh tiểu đường là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 7 vào năm 2030. Còn tại Hà Tĩnh, theo số liệu nghiên cứu Dịch tễ học của Bệnh viện đa khoa tỉnh năm 2009, tỷ lệ mắc tiểu đường là 5.9%, tỷ lệ tiền tiểu đường trên 10% dân số và có xu hướng tăng lên từng năm. Riêng tại Khoa Nội Tiết, bệnh viện đa khoa tỉnh mỗi năm có hơn 1.000 bệnh nhân tiểu đường điều trị nội trú, điều đáng nói là 100% bệnh nhân điều trị tại đây đều có các biến chứng về tim mạch, thận… và hơn 600 bệnh nhân tiểu đường điều trị ngoại trú. Chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Khoa Nội Tiết, bệnh viện Đa khoa tỉnh về bệnh tiểu đường và các biện pháp phòng tránh.

bị bệnh tiểu đường.
Xin bác sĩ cho biết, v ì sao phải m ở rộng phòng ngừa, tăng cường chăm sóc và giám sát bệnh tiểu đường.
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là bệnh lý phổ biến hiện nay, do thiếu hụt trong chất lượng hay số lượng Insulin. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu và các rối loạn chuyển hóa khác. Khi đã mắc phải bệnh tiểu đường, người bệnh sẽ phải điều trị suốt đời, gây nhiều tốn kém về kinh tế và tổn hại đến sức khỏe của người bệnh. Đặc biệt, đây là bệnh có rất nhiều biến chứng mang tính hệ thống toàn cơ thể. Nếu không được phát hiện sớm và tuân thủ nguyên tắc điều trị thì dẫn đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm mà bệnh tiểu đường gây ra như: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận, giảm thị lực, mù mắt, nhiễm trùng, hoại tử tay chân, thậm chí dẫn đến tử vong.
Vậy làm thế nào để phát hiện sớm bệnh tiểu đường thưa bác sĩ.
Các triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường: chậm lành vết thương hoặc bị nhiễm trùng thường xuyên, mệt mỏi, nhanh đói, mắt nhìn mờ, mảng da sẫm màu, giảm cân, khát nước và đi tiểu thường xuyên. Ngoài các triệu chứng trên, bệnh tiểu đường type 2 có thể bao gồm khô miệng và đau nhức, tê bì tay chân. Tuy nhiên tuyệt đại đa số bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu chưa có triệu chứng, chỉ được phát hiện khi xét nghiệm máu.

Làm thế nào để phòng chống bệnh tiểu đường cho những người còn khỏe mạnh cũng như những người có nguy cơ cao tiểu đường.
Thay đổi lối sống bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và vận động hợp lý. Duy trì chế độ ăn có lợi cho sức khỏe (bao gồm đầy đủ và đảm bảo tỷ lệ cân đối các chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, mỡ, chất xơ và vitamin trong một bữa ăn). Không bỏ bữa, lựa chọn đường tự nhiên từ hoa quả. Ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng muối, thực phẩm chứa dầu, bơ. Tham gia các hoạt động tăng cường sự vận động của cơ thể tùy theo thói quen và tình trạng sức khỏe của mình. Thời gian vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc 150 phút mỗi tuần. Nên từ bỏ các thói quen xấu, bất lợi cho cơ thể như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, sử dụng quá nhiều thức ăn nhanh có nhiều năng lượng, uống nước ngọt quá nhiều hoặc ít vận động. Tránh stress, bạn nên có học cách giải tỏa stress để phòng chống được bệnh tiểu đường. Kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm cả việc xét nghiệm đường huyết. Lứa tuổi thường gặp đái tháo đường thường từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên hiện nay đái tháo đường type 2 ngày càng trẻ hóa, có trường hợp phát hiện đái tháo đường type 2 khi mới 11 tuổi. Vì vậy, mọi người cần quan tâm phát hiện sớm đái tháo đường.
Nhiều người biết mình bị tiểu đường nhưng không có biện pháp điều trị và dự phòng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm gì để tránh biến chứng bệnh tiểu đường thưa bác sĩ.
Kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày là cách hữu hiệu giúp người bệnh tránh được các biến chứng bệnh tiểu đường kiểm tra đường huyết còn giúp người bệnh biết mức độ đường trong máu của mình để từ đó có chế độ ăn uống, vận động hợp lý và theo dõi liệu trình điều trị bệnh của mình có hiệu quả hay không. Kiểm tra định kỳ các chỉ số A1C, đây là biện pháp nhằm kiểm soát đường máu trung bình trong 2-3 tháng qua. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm tra hai hoặc nhiều lần trong một năm. Kiểm tra trị số huyết áp, đảm bảo huyết áp mục tiêu dưới 140/80mmHg. Kiểm tra mức độ cholesterol trong máu để tìm nguy cơ mắc bệnh tim mạch... Chăm sóc cơ thể sau va đập hoặc bị thâm tím. Tiểu đường làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và làm chậm quá trình lành vết thương, vì vậy khi người bệnh bị thương hay bị bầm tím do va đập, cần điều trị đầy đủ mới mong khỏi bệnh. Biến chứng bàn chân như biến dạng, loét chân, hoại tử chân là những triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Cần kiểm tra bàn chân hàng ngày và điều trị, giữ vệ sinh những vết loét, mẩn đỏ, hoặc sưng. Đến bác sĩ thăm khám định kỳ, trung bình các bệnh nhân tiểu đường cần đi khám bác sĩ 2-4 lần một năm. Nếu người bệnh phải dùng insulin hoặc điều trị thường xuyên để duy trì lượng đường trong máu cần phải đi khám thường xuyên hơn. Hàng năm người bệnh nên được kiểm tra mắt, thần kinh, tổn thương thận và các biến chứng khác.
Tóm lại, để kiểm soát biến chứng của bệnh đái tháo đường cần dựa vào ba tiêu chí chính: Mức đường máu, huyết áp và chỉ số mỡ máu của cơ thể. Để đạt mục tiêu điều trị, bệnh nhân cần uống thuốc kiên trì, thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý, kết hợp chế độ luyện tập thể lực đều đặn và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết để được tư vấn, phát hiện biến chứng kịp thời.
Thanh Loan