• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Sử dụng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) gây ra nhiều hậu quả đối với sức khoẻ người sử dụng. Vì vậy, công tác đảm bảo VSATTP đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống...

Sử dụng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) gây ra nhiều hậu quả đối với sức khoẻ người sử dụng. Vì vậy, công tác đảm bảo VSATTP đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống. Thời gian qua, ngành Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường phối hợp với các địa phương thanh kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đó giám sát, tuyên truyền và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ATVSTP, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Tập trung nhất là vào các đợt cao điểm trong năm như mùa lễ hội, tết Nguyên đán, tết Trung thu, Tháng cao điểm vì chất lượng VSATTP...

Bác sĩ Phan Văn Hùng- Chi cục trưởng Chi cục VSATTP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: trong năm 2015, tỉnh ta đã có 05 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 143 người mắc, không có trường hợp tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độc tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp Formosa đóng tại huyện Kỳ Anh. Ngành Y tế đã tích cực chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;  tăng cường phối kết hợp giữa các ban ngành, nhất là tại tuyến huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện ATVSTP, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Bác sĩ Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế kiểm An toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Coopmart

Năm qua, ngành Y tế đã tổ chức 1.107 đoàn, thanh tra, kiểm tra, giám sát 11.747 cơ sở; phát hiện 2.165 cơ sở vi phạm, xử lý 605 cơ sở với số tiền gần 600 triệu đồng. Cảnh cáo 282 cơ sở vi phạm. Số cơ sở đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là 9.582 lượt cơ sở chiếm 81,6%. Chi cục cũng thường xuyên giám sát, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, lấy 900 mẫu xét nghiệm giám sát mối nguy hiểm trên địa bàn tỉnh; tại tuyến huyện tiến hành xét nghiệm giám sát mối nguy 2.260 mẫu hóa chất, 42 mẫu nước, 1.025 mẫu test nhanh tinh bột… Bên cạnh đó, Chi cục cũng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức ATVSTP cho mọi người dân như nói chuyện chuyên đề về ATTP, phát thanh trên hệ thống phát thanh tại địa phương, cấp phát tờ rơi, áp phích các tài liệu về an toàn thực phẩm xuống tận các cơ sở.

Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội, ngành Y tế đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng ăn uống, mỹ phẩm, quầy bán thuốc tân dược. Qua đó phát hiện và xử lý 6 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng số tiền nộp phạt gần 50 triệu đồng. Theo Bác sĩ Hùng, hiện nay hoạt động dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các lễ hội, đền chùa thường đa dạng và khó kiểm soát, khó đảm bảo đầy đủ các điều kiện về ATVSTP, nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn. Để đảm bảo ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Chi cục phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATVSTP ở các xã, thị trấn có tổ chức Lễ hội đầu xuân như Chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, Can Lộc; Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân... Đoàn trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở các Ban quản lý, các quán hàng trong việc thực hiện ATVSTP như: đảm bảo các điều kiện thiết yếu; không để thực phẩm bị ô nhiễm; bố trí các khu vệ sinh riêng biệt cuối hướng gió và cuối dòng chảy, xa các khu ăn uống; đồng thời cần cung cấp các dịch vụ thu gom chất thải hàng ngày tránh để ruồi, muỗi có điều kiện phát sinh…

ATVSTP là vấn đề được cả xã hội quan tâm, nhất là vào dịp lễ Tết, mùa lễ hội. Mùa lễ hội trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục kéo dài, vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng mất ATVSTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 179
Tháng 05 : 146.486
Năm 2025 : 906.165
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 12.733.449