Tiến bộ mới trong Tầm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý nguy hiểm và thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 35 trở lên, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 5 trăm nghìn ca ung thư cổ tử cung phát sinh và 80% các ca bệnh đó chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển, trong số đó có gần 3 ngàn ca bị tử vong. Tại Việt Nam, ước tính cứ khoảng 100 ngàn phụ nữ thì có khoảng 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung, trong số đó có khoảng 11 trường hợp bị tử vong do phát hiện muộn.
Theo tổ chức Y tế thế giới, ung thư cổ tử cung nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm sẽ là 95%. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, khi ung thư đã di căn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn khoảng 10%.
Với những tiến bộ của y học hiện đại, căn bệnh này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể .
Trước đây, tại bệnh viện đa khoa Thành Phố Hà Tĩnh đã thực hiện phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung bằng Pap truyền thống – tức là sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, kỹ thuật viên sẽ phết tế bào lên lam kính rồi soi dưới kính hiển vi. Phương pháp này nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Hơn nữa, một số trường hợp khi làm test này, độ chính xác vẫn chưa cao. Để khắc phục những hạn chế trên hiện tại, bệnh viện đa khoa Thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện phương pháp ThinPrep Pat Test giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Đây là phương pháp mới và hiện đại nhất hiện nay, đã được sử dụng phổ biến tại Mỹ và các nước Châu Âu.
Bác sĩ Trần Nguyên Phú – giám đốc bệnh viện đa khoa thành phố cho biết: Với sự liên kết, giúp đỡ của bệnh viện tuyến trên, bệnh viện đã đưa vào thực hiện dịch vụ kỹ thuật này. Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy xong sẽ bỏ vào trong lọ dung dịch ThinPrep và được gửi ra bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào rất khó phát hiện.
Mặc dù Bệnh viện Đa khoa thành phố mới đưa vào sử dụng dịch vụ kỹ thuật này gần 2 tháng nhưng đã được nhiều phụ nữ tìm đến để thực hiện. Chị Nguyễn Thị Quang ở huyện Thạch Hà đã tìm đến bệnh viện để được tư vấn. Chị Quang chia sẻ: Đã gần 1 năm nay tôi thường xuyên bị viêm nhiễm phụ khoa, đau rát vùng âm đạo, đã đi khám nhiều lần được bác sĩ kê đơn, rồi thuốc đặt nhưng vẫn không khỏi. Mấy ngày gần đây tôi lại đau bụng, phần âm đạo bị ra máu. Sợ có vấn đề nên tôi đã tìm đến đây khám và được bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Trần Thị Nhung - khoa Sản, bệnh viện đa khoa thành Phố cho biết: 2 tháng vừa rồi, chúng tôi đã làm xét nghiệm cho gần 200 phụ nữ có nhu cầu tầm soát ung thư bằng phương pháp ThinPrep Pap Test. Kết quả gửi về cho thấy nhiều phụ nữ đã phát hiện được các dấu hiệu tiền ung thư cổ tử cung. Những người này đã được chúng tôi tư vấn về mặt tâm lý cũng như tư vấn cách điều trị sớm.
Nguyên nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung là do viut HPV – một loại virut có thể gây loạn sản tế bào niêm mạc cổ tử cung ở giai đoạn sớm, nếu không điều trị sớm các tế bào loạn sản sẽ chuyển sang dạng tế bào ác tính. Ở giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ ràng trừ khi đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Ở giai đoạn 2 của ung thư cổ tử cung sẽ bắt đầu có các dấu hiệu như ra huyết trắng nhiều. Ở giai đoạn nặng buộc phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hóa trị và xạ trị.
Cách phòng: Không quan hệ tình dục sớm. Quan hệ sớm (ở tuổi dậy thì) là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV. Cơ thể của các em gái trong giai đoạn này tự bảo vệ rất kém trước sự tấn công của các vi rút gây bệnh. Các bệnh lây lan qua đường tình dục ở lứa tuổi này cũng nhanh hơn do các màng nhầy đang ở giai đoạn vô cùng nhạy cảm. Tiêm vaccin trước lần quan hệ đầu tiên. Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những týp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh trước lần quan hệ đầu tiên cho phép chị em phòng bệnh được tới trên 90% nguy cơ. Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát ung thư định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Hải Thuận