Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng
Bệnh chân tay miệng đang là nỗi lo của các bậc phụ huynh có con nhỏ tại thời đi ể m này. Dịch chân tay miệng đã lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố. Đến nay, cả nước đã có gần 53.530 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 25.845 trường hợp đã nhập viện. Ở các tỉnh phía Nam đã 6 trường hợp tử vong. Tại Hà Tĩnh, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện lẻ tẻ tại một số địa phương, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh có thời điểm phải tiếp nhận 07 trường hợp trẻ mắc chân tay miệng vào điều trị.
Chị Đậu Thị Huyền ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà vẫn không hiểu nổi là con gái Nguyễn Quỳnh Vy, 13 tháng tuổi của mình lại có thể bị bệnh tay chân miệng. Lúc đầu, khi thấy bé sốt cao, quấy khóc và xuất hiện những mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở miệng, chị chỉ nghĩ là có thể bé bị nổi mẩn do dị ứng côn trùng cắn…Tuy nhiên, sau khi tự điều trị ở nhà không khỏi, chị Huyền mới lo lắng đưa con đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để thăm khám và điều trị. Chị Đậu Thị Huyền cho biết: Ban đầu gia đình cũng chủ quan nghĩ cháu bị sốt thông thường, sau đó nổi nhiều mận ở tay và chân, sau đó gia đình ra quầy dược mua thuốc về bôi mấy ngày liền nhưng không đỡ. Thấy cháu nhiều ngày liền không ăn, sợ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nên mới đưa cháu đến bệnh viện và tại đây được chẩn đoán cháu bị tay chân miệng.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Mến ở xã Hà Linh huyện Hương Khê cũng không khác gì chị Mến. Thấy con nóng sốt nhiều ngày liền, kèm theo ho, bỏ ăn, sau đó nổi nhiều nốt nhỏ ở tay, bàn chân, loét miệng, gia đình đưa lên trạm y tế xã khám, lấy thuốc uống những không đỡ nên đành chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Tại đây cháu được chẩn đoán bị tay chận miệng. Qua 5 ngày theo dõi, dùng thuốc đến nay sức khỏe cháu đã ổn định và có thể xuất viện trong tuần tới.
Qua đó cho thấy, dù công tác tuyên truyền phòng chống dịch tay chân miệng đã được triển khai thường xuyên và liên tục song nhiều bà mẹ trẻ vẫn không nắm vững được những kiến thức cơ bản. Mặc dù chân tay miệng có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách thì bệnh có thể diễn biến nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Đặng Thị Lý – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh xác nhận, hiện tại khoa đang có 2 ca mắc tay chân miệng nhập viện điều trị, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc xin để phòng bệnh, việc phòng ngừa là biện pháp chung nhất để tránh việc lây truyền bệnh qua đường tiêu hóa, nhất là mầm bệnh từ nguồn phân thải xâm nhập qua miệng và quan trọng nhất là cần chú ý phòng tránh sự tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm bệnh. Diễn biến đối với bệnh tay chân miệng, ban đầu trẻ thường sốt nhẹ; trẻ lớn đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ có thể đã có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi... có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt hơn 39oC và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến tình trạng biến chứng của bệnh và cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Vì biến chứng của bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Hơn nữa bệnh chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị, bệnh lại có thể tái đi tái lại nhiều lần do có thể nhiễm nhiều chủng vi rút khác nhau. Thế nên phòng bệnh cho trẻ là ưu tiên số một, nếu chẳng may trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế và thực hiện việc điều trị, theo dõi và chăm sóc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Về dinh dưỡng: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín. Bát, đũa, thìa và các vật dụng ăn uống khác phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống...
Nhật Thắng