Nâng cao ý thức để có một trái tim khỏe
Trên thế giới, cùng với ung thư thì bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong và đang có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển. Hàng năm, bệnh lý tim mạch đã cướp đi mạng sống của khoảng 17,5 triệu người trên thế giới, để lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Trước thực tế này, Liên đoàn Tim mạch Thế giới đã quyết định chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 hàng năm là “Ngày Tim mạch Thế giới” nhằm kêu gọi mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi người dân hãy hành động để có một trái tim khỏe mạnh, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Cữ, 54 tuổi, trú tại Thạch Việt, Thạch Hà đang nằm điều trị tại Khoa Tim mạch- Lão học Bệnh viện tỉnh có tiền sử huyết áp cao và nhiều năm hút thuốc lá nhưng không thường xuyên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Người nhà của bệnh nhân Cữ chia sẻ: “Ông nhà tôi đột nhiên ngã quỵ khi vừa ăn cơm tối xong, gia đình liền đưa ông đến Bệnh viện Tỉnh và được chẩn đoán bị bệnh mạch vành kèm suy tim. May nhờ được các y bác sĩ chăm sóc cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng, ông đã có thể nói chuyện và vẫn đang được theo dõi tại khoa Tim mạch- Lão học Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh”.

Không chỉ bệnh nhân Cữ, có rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại khoa không biết về tình hình bệnh tật của mình cho đến khi bị ngã quỵ phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Tại khoa Nội Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, số lượng bệnh nhân mỗi ngày thường khoảng 130-150 bệnh nhân. Trong các bệnh nhân đến nhập viện vì bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành là phổ biến nhất. Tỷ lệ tăng huyết áp tăng quá cao và nhanh nên tỷ lệ các biến chứng của nó như : tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… cũng cao. Bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang trong độ tuổi lao động mắc bệnh này. Nguyên nhân do ý thức về việc khám chữa bệnh ban đầu của người bệnh chưa được chú trọng và chưa được thực hiện tốt khiến bệnh nhân khi chuyển về tuyến trên thường đã nặng, cơ hội chữa khỏi thấp, gánh nặng về kinh phí cho quá trình điều trị, can thiệp tăng cao. Việc thanh toán bảo hiểm hay mua sắm thuốc men cho các bệnh nhân tim mạch hiện nay cũng đang có những khó khăn vì vậy nên nhiều người bệnh không có được cơ hội điều trị.
Bác sĩ Lê Văn Dũng- Trưởng khoa Tim mạch và Lão học bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Từ năm 2015, bệnh viện tỉnh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Tim Hà Nội, giai đoạn 2015- 2020. Bệnh viện Tim Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo về nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, “cầm tay chỉ việc” tại chỗ về tim mạch can thiệp, phát triển kỹ thuật chuyên sâu như: can thiệp mạch vành, đặt stent mạch vành, nong van tim… giúp bệnh viện ngày càng làm chủ các bệnh về tim mạch, giảm bớt thời gian đi lại cũng như chi phí khám chữa bệnh cho người dân khi phải chuyển lên tuyến trên. Đến nay khoa đã tiến hành được một số kỹ thuật trở thành thường quy như đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 1 buồng, 2 buồng; shock điện chuyển nhịp, dẫn lưu dịch màng tim đáp ứng được yêu cầu điều trị nội khoa và cấp cứu tim mạch.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết: Những kẻ thù chính của hệ tim mạch đã được xác định rõ: đó là hút thuốc lá, nhiễm mỡ máu, thừa cân béo phì, cao huyết áp, lười vận động. Mọi người, nhất là giới trẻ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý như giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo, thực phẩm quá nhiều cholesterol. Việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày) sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đảm bảo tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật, trong đó chú ý các loại đậu, đỗ, đặc biệt là đậu nành. Vì thế, trong bữa ăn truyền thống của người Việt thường có các chế phẩm của đậu nành như đậu phụ, tương, tào phớ, xì dầu, dầu đậu nàn…Đó là những bí quyết rất đơn giản giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh, một thành mạch vững chắc. Nếu muốn có một tương lai khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật, chúng ta hãy hành động ngay ngày hôm nay.
Đoàn Loan