Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN họp trực tuyến phòng, chống Zika
ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đến nay Việt Nam đã phát hiện 03 trường hợp nhiễm zika (01 trường hợp ở Khánh Hòa, 01 ở TP.Hồ Chí Minh và 01 ở Phú Yên). Đây là 03 bệnh nhân không có tiền sử đi về từ vùng dịch.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam đã lưu hành virus Zika trong cộng đồng. Điều cần chú tâm là muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh virus Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Ngoài ra, sự đi lại giao lưu giữa các Quốc gia Đông Nam Á có thể gây ra nguy cơ nhiễm bệnh từ những người trở về từ vùng dịch.
Bộ Y tế nhận định, các ổ dịch virus Zika ở Việt Nam hiện nay là các ca bệnh đơn lẻ, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để ngăn ngừa Zika, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch; đẩy mạnh giám sát Zika tại các cơ sở y tế, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ; phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã thống nhất dự thảo bản Tuyên bố chung với các nội dung:
1. Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực về vi rút Zika với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bao gồm cả WHO;
2. Đẩy mạnh thực hiện IHR và các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác;
3. Nâng cao hiệu quả của việc giám sát và đáp ứng dịch bệnh do vi rút Zika cũng như các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi khác của các nước trong khu vực thông qua các cơ chế của ASEAN như: Mạng lưới ASEAN-EOC, Mạng lưới ASEAN+3 FETN;
4. Triển khai các biện pháp thích hợp trong việc quản lý, đánh giá nguy cơ bằng cách kiểm soát véc tơ, đảm bảo tiếp cận chẩn đoán phòng xét nghiệm bao gồm cả việc tăng cường mạng lưới phòng xét nghiệm quốc gia và truyền thông nguy cơ;
5. Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do vi rút Zika thông qua các cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN bao gồm cả mạng lưới ASEAN+3 FETN, SEAMEO-TROPMED, và cũng như các cơ chế hoạt động khác bao gồm Chương trình hợp tác An ninh Y tế toàn cầu (GHSA).
Buổi họp trực tuyến cho thấy tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm, đồng thời thể hiện phản ứng nhanh chóng, quyết liệt, đáp ứng kịp thời tình hình thực tiễn của Bộ Y tế các quốc gia trong khu vực trong vấn đề an ninh y tế công cộng.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế