Lao kháng thuốc- cuộc chiến nhiều thách thức
Có thể nói, sự bùng phát của bệnh Lao kháng thuốc là mối đe dọa lớn đối với công tác phòng chống căn bệnh Lao hiện nay. Lao kháng thuốc không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc Lao mới, trong đó có hơn 5000 bệnh nhân Lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% là Lao siêu kháng thuốc.Tại Hà Tĩnh, trong năm 2016 có 856 bệnh nhân lao các thể được phát hiện, trong đó có 16 bệnh nhân chết do lao, phát hiện thêm 368 bệnh nhân lao dương tính, 56 bệnh nhân lao tái phát, 9 trường hợp lao kháng thuốc.
Với tâm lý mặc cảm, giấu bệnh và thiếu hiểu biết, ông Trương Tăng Tiến, 60 tuổi, trú tại Sơn Kim 1, Hương Sơn đã không tuân thủ nguyên tắc điều trị bệnh Lao của mình từ 2 năm nay. Trong 3 đợt điều trị của bệnh nhân Tiến, sau một thời gian uống thuốc thấy khỏe và không có triệu chứng gì, ông cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ thuốc. Nhập viện điều trị tại khoa Nội I- Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng sốt, ho, khó thở, toàn thân mệt mỏi, sút cân, ông cho biết: "tôi bị bệnh lao hơn hai năm nay, tôi thấy rất khó chịu do tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị nhưng lại mặc cảm nên không tái khám để điều chỉnh thuốc mà tự bỏ nửa chừng nên bị đi bị lại nhiều lần và lần này thì đã bị lao kháng thuốc”.

Theo bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Tĩnh: Mắc Lao thông thường đã nguy hiểm, mắc Lao kháng thuốc thì mức độ nguy hiểm càng tăng lên nhiều lần. Bởi nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bệnh nhân lao kháng thuốc có nguy cơ tử vong cao đồng thời trở thành “tác nhân” lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh, gây nên những hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế cho gia đình và xã hội. Một khi đã nhiễm lao kháng thuốc, việc điều trị khó khăn hơn nhiều bởi chi phí cao hơn, thời gian kéo dài hơn nên kết quả khó khỏi hơn. Bệnh lao kháng thuốc phải điều trị thời gian kéo dài liên tục từ 18 đến 20 tháng và uống thuốc theo một thời gian nhất định trong ngày nên có không ít bệnh nhân bỏ điều trị, thậm chí mua thuốc trôi nổi ở ngoài uống không theo phác đồ, khiến bệnh tái phát và dẫn đến kháng thuốc, khi đó thì không thể cứu chữa. Ngoài ra, bệnh nhân phải chịu nhiều tác dụng phụ hơn, mất sức lao động, tốn công chăm sóc của người thân… Vì thế, việc điều trị khỏi bệnh lao kháng thuốc là rất khó khăn với nhiều bệnh nhân.
Được sự quan tâm của Sở Y tế, bệnh viện cũng đã xây dựng được 2 buồng bệnh dành cho bệnh nhân lao kháng thuốc cách biệt, hạn chế vi khuẩn lao kháng thuốc có thể lây truyền từ người bệnh sang người tiếp xúc. Đặc biệt để nâng cao chất lượng điều trị, thời gian qua cùng với nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã tích cực đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị y tế. Thành công lớn nhất của đơn vị là đã chủ động đầu tư kinh phí mua sắm máy xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF (nhập từ Mỹ). Máy trả kết quả kép: cùng một kết quả cho biết bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không và vi khuẩn lao có kháng với Rifampicin hay không, cho kết quả nhanh sau 30 phút đến 2 giờ, độ chính xác cao (phải mất 2-4 tháng theo phương pháp truyền thống). Kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng công nghệ máy Gene Xpert MTB/RIF được cho là bước tiến đột phá trong cuộc chiến phòng chống lao hiện nay được Tổ chức Y tế Thế giới thẩm định và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng chống lao. Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh là bệnh viện chuyên khoa địa phương đầu tiên trong cả nước đầu tư máy xét nghiệm đờm công nghệ cao này. Đây là bước đột phá quan trọng của bệnh viện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24-3-2017 với chủ đề “Tuân thủ phác đồ điều trị- yếu tố quyết định sự thành bại của việc kiểm soát, loại trừ bệnh Lao”. Ngày Thế giới phòng, chống Lao kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu để tìm kiếm, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao. Người bệnh phải tuyệt đối chấp hành chỉ định điều trị của bác sỹ chuyên khoa và điều trị đến nơi đến chốn, đúng phác đồ.Tốt nhất là đi làm xét nghiệm đờm khi có các triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài, mệt mỏi, sốt về chiều; có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh cần nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống lao nói chung và lao kháng thuốc nói riêng, tích cực phối hợp với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh trong việc phát hiện lao kháng thuốc, giúp bệnh nhân biết bệnh để điều trị, từng bước hạn chế, tiến tới khống chế nguồn lây trong cộng đồng.
Đoàn Loan