Bệnh võng mạc trẻ sinh non và các biện pháp phòng tránh
Bệnh võng mạc trẻ sinh non là bệnh lý ở mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non hay nhẹ cân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt. Theo báo cáo tại Bệnh viện mắt trung ương, tại Việt Nam, hiện có hơn 30% trẻ em mù dưới 6 tuổi do căn bệnh này, còn tại Hà Tĩnh trước đây những trẻ sinh non, nhẹ cân có nguy cơ bị bệnh võng mạc phải đi tuyến trên điều trị, nhưng từ tháng 1 năm 2016 được sự hỗ trợ của tổ chức ORBIS, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thành lập phòng khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ sinh non, đây là đơn vị triển khai đầu tiên tại Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Nhị, 36 tuổi, quê ở Thị xã Hồng Lĩnh có bầu được 32 tuần thì sinh, do sinh non nên cháu Tú Mai phải nằm lòng ấp 10 ngày và được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch. Chị cho biết: "Do cháu sinh non và nhẹ cân nên tôi đưa cháu đến khám sàng lọc bệnh võng mạc tại bệnh viện tỉnh và chăm sóc cháu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh bệnh võng mạc và các biến chứng cho cháu".
Theo bác sĩ Nguyễn Công Đức, Trưởng Khoa Mắt, bệnh viện đa khoa tỉnh: Trẻ sinh càng nhẹ cân hoặc tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ bị bệnh võng mạc càng cao. Nguyên nhân là do hệ thống mạch máu võng mạc ở những trẻ sinh thiếu tháng chưa trưởng thành và chưa cung cấp đủ máu để nuôi võng mạc. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non sẽ xuất hiện một thời gian sau sinh nếu mạch máu võng mạc phát triển bất thường. Khi bị bệnh võng mạc trẻ sinh non, một trong ba tình huống sau sẽ xảy ra: bệnh nhẹ thì tự lành mà không cần điều trị; bệnh trung bình tự lành một phần không cần điều trị, tuy nhiên cần theo dõi lâu dài để tránh những biến chứng muộn về sau; bệnh nặng cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ gây mù vĩnh viễn.
Những trẻ có các yếu tố nguy cơ về bệnh võng mạc, được bác sĩ tư vấn khám sàng lọc tại bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, phụ huynh cần lư ý không cho trẻ bú mẹ/ăn trước khi khám ít nhất một giờ, để tránh sặc sữa, vì trong khi khám trẻ thường khóc. Sau khi về nhà cần theo dõi và chăm sóc trẻ, tái khám đầy đủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trẻ sẽ được khám cho tới khi qua khỏi giai đoạn nguy hiểm, khi mạch máu ở võng mạc phát triển đầy đủ. Theo dõi lâu dài bệnh võng mạc trẻ sinh non là rất cần thiết vì ở thể nhẹ mặc dù không cần điều trị, nhưng một số biến chứng muộn vẫn có thể xảy ra như: lé, cận thị, tăng nhãn áp…
Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất theo khuyến cáo của các bác sĩ là quản lý thai nghén thật tốt, cụ thể là chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, khám thai định kỳ nhằm hạn chế sinh non. Nếu khi đã sinh non mà có các yếu tố nguy cơ như: trẻ cân nặng lúc sinh dưới 1.800g hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần; những trẻ cân nặng lúc sinh từ 1.800g trở lên nhưng bị ngạt khi sinh, nằm lòng ấp, thở oxy kéo dài, có những bệnh khác kèm theo; những trẻ cân nặng lúc sinh 1.800g trở lên và đa thai(sinh đôi, sinh ba…) thì sau khi sinh 3 đến 4 tuần nên đưa trẻ đi khám sàng lọc. Hiện nay, việc sàng lọc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, nhẹ cân được thực hiện tại các bệnh viện tuyến trên và tại Khoa mắt, Bệnh viện đa khoa tỉnh ./. |
Thanh Loan