Đổi thay sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia và quyết liệt đưa các quy định của Luật này vào cuộc sống. Qua đó, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng môi trường không khói thuốc
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe con người và tích cực thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá; vận động các sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc lá.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc lá tại nơi làm việc, triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể thông qua các buổi họp chi bộ, công đoàn. Đồng thời đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế làm việc, gắn tiêu chí xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với xét công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc quy định “Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”.
Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức. Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy chính quyền các cấp đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tỉnh, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng tin, bài, phóng sự, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn liên quan; thường xuyên đăng tải trên trang thông tin điện tử của các đơn vị về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, đăng các tin bài về phòng, chống tác hại của thuốc lá và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, thư ký Ban quản lý Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là một trong những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Thời gian qua, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh nhiều giải pháp tuyên truyền, thuyết phục để nâng cao nhận thức nhân viên y tế và người dân, từng bước xây dựng môi trường không khói thuốc lá.. Tại tất cả các cơ sở y tế đều có các biển hiệu: “Cấm hút thuốc lá”. Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế. Một số đơn vị còn tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vào sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh; đưa hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí thi đua.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình, giải pháp hay được nhân rộng, hiệu quả lan tỏa cao trong cộng đồng. Điển hình: “Trường học không khói thuốc lá”, “Công sở không khói thuốc lá”, “Bệnh viện không khói thuốc lá”... Thông qua các mô hình, ý thức phòng, chống tác hại của thuốc lá của người dân ngày càng nâng cao; tỷ lệ người hút thuốc lá ngày càng giảm. Kết quả nghiên cứu GATS tại Hà Tĩnh cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành đã giảm (từ 22,4% vào năm 2015 giảm còn 15,7% vào năm 2020).
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn. Theo Ông Nguyễn Thanh Hùng, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc; thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, giá thuốc lá rẻ và được bày bán khắp nơi làm tăng khả năng mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác cai nghiện thuốc lá. Trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) được quảng cáo là ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường và giúp cai nghiện thuốc lá điếu... điều này gây hiểu nhầm cho người sử dụng, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm người trên 15 tuổi.
Tuy Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực để đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống, song tỷ lệ người hút thuốc tại nơi công cộng, nơi làm việc, nơi có quy định cấm vẫn còn khá cao. Đa số người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh lý nghiêm trọng, có thể gây ra cả 3 bệnh: ung thư phổi, đau tim và đột quỵ. Nhưng rất nhiều người hút thuốc lá vẫn coi đây là hành vi bình thường. Do vậy, cần phải nghiêm túc thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng
Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, tập trung các nội dung quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, bến tàu, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng; biên soạn và cấp phát tài liệu truyền thông như: tờ rơi, áp-phích, pa-nô, biển cấm hút thuốc lá cho các cơ quan, đơn vị và duy trì hiệu quả mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan, đơn vị, công ty kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cơ quan, đơn vị; tổ chức các chiến dịch truyền thông để phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến người dân, học sinh, sinh viên... bằng nhiều hình thức như: nói chuyện trực tiếp, mít-tinh, hội thi, hội thảo hoặc lồng ghép với các buổi sinh hoạt chuyên đề về các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi...
Để Luật PCTHTL thực sự đi vào đời sống, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thì rất cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng, đồng thời cần có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình và cộng đồng.
Thanh Nhàn