Viêm tai giữa và những biến chứng nguy hiểm
Viêm tai giữa (VTG) là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Theo BS. Phan Dư Lê Lợi - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến trẻ bị nghe kém, điếc, chậm nói... Nguy hiểm hơn có thể gây biến chứng viêm não - màng não hay áp-xe não.
Bệnh từ mũi, họng
Bé Phan Nhật L. đã hơn 3 tuổi nhưng chỉ mới nói bập bẹ được một số từ, thời gian gần đây bé lại nghe kém. “Gia đình vẫn cứ nghĩ chắc bé chậm nói. Còn việc bé nghe kém thì thực sự gia đình cũng không biết vì sao. Gần đây, khi được bác sĩ cho biết bé bị viêm tai giữa thì cả nhà mới té ngửa. Vì thực sự bé không có biểu hiện đau tai hay khó chịu gì cả. Bình thường bé cũng có mắc bệnh nhưng chỉ là bệnh ho, sổ mũi, cảm cúm thông thường”, chị Huỳnh Thanh Loan - mẹ bé Nhật L. chia sẻ.
Theo BS. Phan Dư Lê Lợi, VTG là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 4 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ những bệnh thường gặp như: viêm mũi, sổ mũi…rồi lây sang tai làm viêm vùng tai giữa nằm khuất sau màng nhĩ gây ra những cơn đau cho trẻ, dẫn đến mất ngủ, ốm yếu, sút cân…
Mặc dù VTG được cho là một nhiễm trùng nguyên phát, nhưng nhiễm trùng hô hấp trên do vi trùng hay siêu vi đều có thể gây VTG. Việc nhiễm virút hô hấp làm phá hủy hệ thống lông chuyển, làm suy giảm cơ chế hàng rào bảo vệ nguyên phát chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhiễm trùng hô hấp trên cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng vòi nhĩ, làm giảm áp lực tai giữa, tạo dịch nhầy, sự tiết dịch vùng mũi họng và vi khuẩn cư trú tại mũi họng sẽ đi vào tai giữa.
Giai đoạn đầu của viêm tai giữa tiết dịch triệu chứng rất nghèo nàn nên cha mẹ thường không nhận biết. Vì ít khi các bé có biểu hiện nóng sốt, đau tai.
Tránh đưa vật lạ vào tai
BS. Phan Dư Lê Lợi cho biết, có thể nhận biết bé mắc bệnh viêm tai giữa với những triệu chứng như trẻ đang ngủ khóc thét lên, lắc đầu tai liên tục; trẻ lớn thường than đau tai; trẻ nhỏ thì hay lắc đầu; trẻ chậm nói. Triệu chứng khởi đầu của bệnh là đau, chảy nước tai và nghe giảm.
Nếu bệnh VTG không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây nghe kém, điếc, với trẻ nhỏ gây cản trở quá trình hình thành ngôn ngữ của trẻ. Nguy hiểm hơn, vi trùng xâm nhập từ tai giữa qua màng xương gây viêm não. Thậm chí gây áp-xe não ảnh hưởng đến tính mạng.
Để điều trị bệnh, cần điều trị triệt để vùng mũi họng. Dùng kháng sinh, kháng viêm để chữa bệnh, đồng thời dùng nước muối sinh lý để rửa, hút mũi, vệ sinh mũi cho trẻ tích cực.
BS. Lê Lợi cũng khuyến cáo để phòng bệnh, những trẻ thường có mũi chảy lòng thòng, các bậc cha mẹ phải dùng nước muối sinh lý nhỏ rửa mũi thường xuyên cho bé. Và trẻ độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi có sức đề kháng kém hơn người lớn rất dễ nhiễm trùng nên hạn chế bơi lội, đi chỗ đông người, tăng cường vấn đề dinh dưỡng để tăng khả năng miễn dịch sẽ ít bị nhiễm trùng mũi họng. Đối với trẻ nhỏ, ngoài việc giữ vệ sinh vùng mũi họng không nên cho bé bú sữa ở tư thế nằm… Và nếu thấy bé có hiện tượng nghe kém hơn trước nên cho bé đi khám ở bác sĩ tai mũi họng.
Một điều cần đặc biệt lưu ý là tránh đưa vật lạ vào tai. Đối với trẻ nhỏ, lấy tăm bông vệ sinh tai cho trẻ cần phải thoa một ít nước sát khuẩn như cồn 700C trước khi thực hiện. Đối với người lớn, không nên đi tiệm hớt tóc lấy ráy tai, thợ cắt tóc không có chuyên môn, chỉ lấy theo thói quen, hơn nữa dụng cụ lấy ráy tai cũng không được vệ sinh kỹ.
Bên cạnh đó, còn một điều tối kỵ là có một số người đã tự rắc thuốc bột vào tai. Điều này rất nguy hiểm, do những tá dược có trong thuốc viêm sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch sẽ dẫn tới tình trạng dịch viêm không thoát được ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm hay thậm chí gây biến chứng nội sọ, làm các bác sĩ khó đánh giá đúng được tình trạng của tai bệnh do không quan sát được màng tai.
Theo SK&ĐS