• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phòng bệnh hô hấp ở trẻ em trong mùa đông

Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến ở trẻ em nước ta, đặc biệt là vào mùa đông, bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong khá cao. Người bệnh có thể mắc đi mắc lại nhiều lần trong năm.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính là bệnh phổ biến ở trẻ em nước ta, đặc biệt là vào mùa đông, bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong khá cao. Người bệnh có thể mắc đi mắc lại nhiều lần trong năm. Nhiễm khuẩn đường hô hấp được chia thành 2 loại: nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn hô hấp trên bao gồm các trường hợp ho, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, VA. Nhiễm khuẩn hô hấp dưới bao gồm: viêm thanh khí phế quản, viêm phổi…

Nguyên nhân cơ bản đó là do virus, vi khuẩn tấn công vào hệ miễn dịch vẫn còn non yếu của trẻ. Điều kiện thuận lợi quan trọng cho bệnh phát triển là do sự thay đổi thất thường của thời tiết, thay đổi môi trường sống đột  ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi và dẫn đến nhiễm bệnh.

Do đó, để phòng các bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ trong thời điểm giao mùa mùa lạnh cha mẹ cần hạn chế tối đa các nguyên nhân và điều kiện thuận lợi gây bệnh cho trẻ, tập trung vào các biện pháp sau:

+ Đảm bảo môi trường sống an toàn: Môi trường sinh hoạt, nhà cửa, phòng ngủ của bé phải thoáng, đủ  ấm, giảm bớt hoặc loại trừ các yếu tố gây bệnh đường hô hấp như khói ( khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp, khói than, khói hương, khói ô tô, xe máy…), bụi, nấm mốc, lông súc vật…Với những gia đình sống gần mặt đường, cần có các biện pháp che chắn để chống bụi trong nhà. Không khí trong nhà phải được luân chuyển, đừng đóng kín cửa, bật điều hòa suốt ngày. Thỉnh thoảng phải mở tung cửa để không khí trong nhà được thay mới, khô ráo. Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh: tắm cho trẻ bằng nước ấm và trong buồng kín gió, tắm xong cần lau thật khô từ đầu đến chân cho trẻ. Lau xong nên mặc quần áo ngay. Mỗi khi cho trẻ ra ngoài (đi học hoặc đi chơi) cần mặc ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm cổ, cần có bít tất,  khẩu trang, găng tay, mũ ấm. Lúc trẻ ngủ cần chú ý đắp chăn cho trẻ vì trẻ thường đạp tung chăn, nếu trời lạnh mà trẻ không đắp chăn thì sẽ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp.

+ Dinh dưỡng đúng cách: Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về cân nặng, chiều cao, cũng như phát triển trí tuệ, bên cạnh đó hệ miễn dịch cũng được tăng cường. Trẻ sau 6 tháng tuổi, miễn dịch từ mẹ truyền sang con giảm dần, trong khi đó miễn dịch thu được trong cuộc sống chưa có. Chính vì vậy, khả năng đề kháng và miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Đó là những nguyên nhân làm cho trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng. Chế độ nuôi dưỡng trẻ  đúng cách nhất là cần đảm bảo cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài đến 24 tháng tuổi. Trong chế độ ăn dặm cũng như sau khi cai sữa, khẩu phần ăn của trẻ cần đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng…Khi được nuôi dưỡng tốt đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ các chất để cơ thể tự tạo ra kháng thể, giúp cơ thể chống đỡ được bệnh tật.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cần đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Quá trình chế biến thức ăn cho trẻ phải lựa chọn thực phẩm sạch, nước sạch, dụng cụ chế biến cũng cần được vệ sinh đúng cách để ngăn ngừa virus, vi  khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ.

+ Tăng cường khả năng miễn dịch: Hệ miễn dịch được coi là hàng rào tự nhiên ngăn chặn và tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, giúp trẻ không bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tuy nhiên, ngay từ những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, cơ thể trẻ chưa sản xuất đủ kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, để tăng cường hệ miễn dịch, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ, giúp trẻ có đủ đề kháng ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm như ho gà, bại liệt, sởi, viêm não…Cha mẹ cũng có thể tăng sức đề kháng của trẻ bằng cách cho trẻ chơi, chạy nhảy ngoài thiên nhiên nhiều hơn. Thay vì để trẻ làm bạn với tivi, điện thoại…nên thường xuyên đưa trẻ đi chơi công viên, hòa mình với thiên nhiên để hình thành khả năng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, khả năng thích ứng để phòng tránh được bệnh tật.

Ngoài những biện pháp trên, cha mẹ cần chú ý: khi trẻ sốt, ho hoặc có kèm theo khó thở thì cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời, không nên để bệnh quá nặng mới đưa trẻ đi khám.

Trẻ em là tương lai của đất nước, là hạnh phúc của mỗi gia đình. Vì vậy các bậc cha mẹ phải có nhiệm vụ chăm sóc trẻ thật tốt, có khoa học mới tránh được bệnh tật, đặcbiệt là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Ths Hà Thị Hoài Nam

Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 683
Tháng 05 : 39.186
Năm 2024 : 758.485
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.556.999