• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Dấu hiệu đột quỵ, nguy cơ và cách phòng tránh ở người cao tuổi”

Đột quỵ não là một căn bệnh cấp tính, diễn ra một cách đột ngột do tổn thương mạch máu não (do tắc hoặc vỡ động mạch não) hậu quả làm cho bệnh nhân tàn phế, thậm chí tử vong. Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý ung thư, tim mạch và là nguyên nhân số 1 gây tàn phế cho bệnh nhân.

Đột quỵ não là một căn bệnh cấp tính, diễn ra một cách đột ngột do tổn thương mạch máu não (do tắc hoặc vỡ động mạch não) hậu quả làm cho bệnh nhân tàn phế, thậm chí tử vong. Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh lý ung thư, tim mạch và là nguyên nhân số 1 gây tàn phế cho bệnh nhân. Nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ não để điều trị tối ưu nhằm hạn chế các biến chứng của đột quỵ, tránh di chứng tàn phế và tử vong cho bệnh nhân là mục tiêu hàng đầu trong điều trị đột quỵ não. Điều trị dự phòng đột quỵ là cách phòng tránh tốt nhất, 80% bệnh nhân có thể dự phòng được theo một nghiên cứu Y khoa tại Mỹ.

Dấu hiệu của đột quỵ não

Với đột quỵ não, triệu chứng không rõ ràng để báo hiệu nguy cơ nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Điều trị đột quỵ não là cuộc chạy đua với thời gian nhằm mở thông mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc hạn chế sự lan rộng của khối máu tụ trong não, từ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh đột quỵ (liệu pháp tiêu sợi huyết bằng thuốc Alteplase). Thời gian vàng để điều trị là dưới 3 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên tới lúc bệnh nhân đến bệnh viện. Chúng ta có thê nhận biết sớm đột quỵ qua các dấu hiệu sau: BEFAST

1. B alance (thăng bằng): Liệu họ có mất thăng bằng đột ngột không?

2. E yes (mắt): Liệu họ có mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt không?

3. F ace (khuôn mặt): Một bên mặt có bị rũ xuống không?

4. A rms (cánh tay): Yêu cầu người đó nâng cả hai cánh tay lên. Liệu một cánh tay có rơi xuống không?

5. S peech (lời nói): Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Liệu lời nói của họ có bị xáo trộn hoặc kỳ lạ không?

6. T ime (thời gian): Nếu bạn quan sát thấy bất cứ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này, thì gọi ngay tới số 115 (tại Việt Nam) và tại Hà Tĩnh theo số 02393.699.115

Nếu có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế để phòng ngừa di chứng

Nguy cơ đột quỵ não ở người cao tuổi

Có hai loại yếu tố nguy cơ là kiểm soát và không thể kiểm soát được. Một số yếu tố nguy cơ đột quỵ, chẳng hạn như tăng huyết áp và hút thuốc lá, có thể được kiểm soát bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống. Các yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác và chủng tộc là không thể thay đổi.

Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát

– Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với đột quỵ. Khi áp lực của máu lên thành động mạch quá cao, có thể làm mạch máu suy yếu dần và cuối cùng dẫn đến đột quỵ. Người trưởng thành cần cố gắng duy trì huyết áp dưới 140/90 mmHg hoặc 130/80 mmHg hoặc thấp hơn nếu có nguy cơ đột quỵ cao. Mức huyết áp lý tưởng là 120/80 mmHg hoặc thấp hơn.

– Xơ vữa động mạch: trong yếu tố nguy cơ này, các mảng Cholesterol tích tụ ở trong thành động mạch sẽ chặn hoặc làm thu hẹp mạch máu, có thể dẫn đến đột quỵ.

– Bệnh tim: bệnh mạch vành, suy tim, bệnh cơ tim giãn nở và các bệnh về tim khác làm người bệnh có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với những người có trái tim bình thường.

Nồng độ cholesterol cao góp phần tích tụ mảng bám trong thành động mạch, có thể chặn lưu lượng máu đến não và gây ra đột quỵ.

– Nồng độ cholesterol cao: dư thừa cholesterol trong máu làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và xơ vữa động mạch. Nồng độ cholesterol cao góp phần tích tụ mảng bám trong thành động mạch, có thể chặn lưu lượng máu đến não và gây ra đột quỵ.

– Hút thuốc lá: hút thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong máu, buộc tim phải làm việc nhiều hơn và tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành dễ dàng hơn.

– Rung nhĩ: rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, gây hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở… Bệnh làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 5 lần, dễ dẫn đến thuyên tắc mạch. Đột quỵ do rung nhĩ thường tạo nguy cơ tắc các mạch máu lớn trong não, là gánh nặng thực sự cho bệnh nhân đột quỵ não.

– Bệnh tiểu đường: bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt với nguy cơ cao bị đột quỵ vì họ thường có những vấn đề khác về sức khỏe và các yếu tố nguy cơ đột quỵ, trong đó có tăng huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim.

– Thừa cân hoặc béo phì: béo phì cùng với ít vận động làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hoặc tiểu đường.

– Các rối loạn máu: các rối loạn máu như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc thiếu máu nặng có thể gây ra đột quỵ, nếu không được điều trị.

– Uống rượu quá nhiều: một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa việc tiêu thụ quá nhiều rượu với nguy cơ đột quỵ.

– Thuốc: một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Thuốc ngừa thai cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở một số phụ nữ , đặc biệt là những người trên 35 tuổi hoặc bị tăng huyết áp, tiểu đường hoặc có nồng độ cholesterol cao và hút thuốc lá. Các loại thuốc bất hợp pháp, chẳng hạn như cocaine, heroin hoặc các chất kích thích cũng là những yếu tố nguy cơ có thể gây đột quỵ.

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát

– Tuổi: đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở trẻ em nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Từ 55 tuổi, nguy cơ đột quỵ tăng lại tăng gấp đôi sau 10 năm.

– Giới tính: đột quỵ phổ biến hơn ở nam giới nhưng phụ nữ chiếm hơn một nửa số ca tử vong do đột quỵ.

– Tiền sử gia đình: nguy cơ đột quỵ tăng lên nếu trong gia đình có một thành viên đã từng bị nhồi máu cơ tim khi còn trẻ.

– Đã từng bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trước đây: nguy cơ bị đột quỵ lần thứ 2 cao hơn nhiều ở những người đã từng bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong quá khứ.

– Cơn thiếu máu não thoáng qua: cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là tiền thân của một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ. Cơn thiếu máu não thoáng qua bắt nguồn từ sự tắc nghẽn tạm thời nguồn cung cấp máu của não. Các triệu chứng tương tự như một cơn đột quỵ thực tế nhưng thường chỉ kéo dài vài phút hoặc vài giờ, không có tác dụng lâu dài. Nhưng đó là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Theo thống kê khoảng 33% những người có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ tiếp tục phát triển thành một cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.

– Bất thường ở động mạch: nguy cơ đột quỵ xuất huyết tăng lên nếu một người có chứng phình mạch (tại nơi túi phình hình thành thì mạch máu trở nên mỏng và yếu hơn) trong hộp sọ. Dị dạng động tĩnh mạch là một yếu tố nguy cơ đột quỵ do xuất huyết.

– Tồn tại lỗ bầu dục: thông thường tình trạng này không có triệu chứng nhưng một người có tồn tại lỗ bầu dục phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.

Cách phòng tránh bệnh đột quỵ

Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao : Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.

Ổn định đường huyết : Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.

Kiểm soát cholesterol trong máu .

Bỏ thuốc lá : thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá là đã giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ.

Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.

Thường xuyên vận động hợp lý để rèn luyện thể chất.

Ổn định cân nặng đối với cơ thể.

Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bs. Hoàng Quang Trung – PGĐ BVĐK tỉnh


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 210
Tháng 05 : 55.210
Năm 2024 : 774.509
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.573.023