• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phổ biến kiến thức: Những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Hơn 10 năm triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhiều phụ nữ có HIV đã có được niềm hạnh phúc vô bờ khi sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị lây truyền HIV từ mẹ. Để làm rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con, Bác sỹ Phùng Bình Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có cuộc trao đổi với BBT Bản tin Sức khỏe HàTĩnh về nội dung này.

BBT: Thưa bác sỹ, phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ lây truyền HIV cho con như thế nào?

Bác sỹ Phùng Bình Văn: Người phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con qua ba giai đoạn sau: Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình sinh). Trong khi sinh, HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ và xâm nhập vào cơ thể (niêm mạc) của trẻ sơ sinh.Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc khi trẻ mọc răng cắn núm vú chảy máu.

Bác sỹ Phùng Bình Văn - Phó Giám đốc Trung tâm KSBT Hà Tĩnh

BBT: Thưa bác sỹ, phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai thì nên làm gì để khi sinh ra trẻ không bị lây nhiễm từ mẹ?

Bác sỹ Phùng Bình Văn:Tất cả các phụ nữ nhiễm HIV muốn sinh con nên báo với bác sĩ sản khoa trước khi có ý định mang thai. Hầu hết các loại thuốc ARV đều an toàn cho HIV và thai kì. Do đó, hầu như không cần phải đổi thuốc khi mang thai. Nhưng vẫn cần phải thảo luận trước khi mang thai. Khi nồng độ virus thấp đến mức không phát hiện thấy trong máu. Thì lúc này nguy cơ truyền HIV sang con thấp hơn nhiều so với những phụ nữ phát hiện virus trong máu. Mang thai dường như không làm xấu đi HIV hoặc làm tăng nguy cơ tử vong do HIV.Hiện các chứng cứ vẫn chưa rõ ràng thuốc điều trị HIV hoặc nhiễm HIV có làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ như sinh non, nhẹ cân và thai chết lưu hay không. Tuy nhiên, rất rõ ràng rằng một số loại thuốc điều trị HIV có thể làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ. Đó là lý do tại sao các hướng dẫn điều trị HIV khuyến nghị mạnh mẽ kết hợp các loại thuốc để ngăn ngừa lây truyền HIV sang trẻ.

BBT:Thưa bác sỹ, trong quá trình mang thai, phụ nữ nhiễm HIV được chăm sóc như thế nào để hạn chế lây nhiễm HIV cho trẻ?

Bác sỹ Phùng Bình Văn: Sau khi xác nhận có thai, bạn sẽ được xét nghiệm máu để xác định tải lượng virus HIV trong máu. Thêm vào đó là đánh giá hệ thống miễn dịch (ví dụ: số lượng tế bào CD4). Có thể xét nghiệm thêm xem bạn có mang dạng đột biến của virus HIV hay không.Như đã nói ở trên, nếu trước đó bạn đang dùng thuốc thì vẫn tiếp tục duy trì. Nếu chưa thì nên cân nhắc sử dụng sớm để giảm nguy cơ lây lan qua cho bé. Một số người bắt đầu dùng thuốc sau 3 tháng vì tác dụng phụ của thuốc làm tăng triệu chứng nghén. Tuy nhiên dù là tình huống nào bạn cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.Tuân thủ thuốc trong khi mang thai cực kỳ quan trọng. Dùng thuốc chính xác theo quy định trong thai kỳ để giảm nguy cơ phát triển kháng thuốc. Hơn nữa, uống thuốc đúng giờ có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang em bé.

BBT: Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, người nhiễm HIV được chăm sóc như thế nào để hạn chế lây nhiễm HIV cho trẻ?

Bác sỹ Phùng Bình Văn: Nếu người mẹ có lượng HIV từ mức trung bình đến cao.Thuốc zidovudine được truyền qua tĩnh mạch trong quá trình chuyển dạ. Trong những trường hợp này, zidovudine giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV. Phụ nữ đang dùng thuốc điều trị HIV kết hợp nên tiếp tục uống thuốc đúng giờ trong quá trình chuyển dạ hoặc trước khi sinh mổ.Điều này mang lại sự bảo vệ tối đa cho mẹ và trẻ sơ sinh. Giảm thiểu nguy cơ người mẹ có thể bị kháng thuốc do bỏ lỡ một liều thuốc.Lựa chọn cách an toàn nhất để phụ nữ nhiễm HIV sinh con (tức là bằng cách sinh thường bằng âm đạo hoặc sinh mổ) sẽ tùy thuộc vào tải lượng virus HIV của người mẹ trong thai kỳ. Nói chung, việc sinh thường bằng đường âm đạo được ưu tiên vì sự an toàn của cả mẹ và bé nếu nguy cơ lây truyền HIV thấp (khi tải lượng virus HIV của mẹ thấp). Đối với những phụ nữ có tải lượng virus cao trong máu hoặc những người rất lo lắng về việc trẻ sơ sinh tiếp xúc với máu hoặc dịch âm đạo thì nên sinh mổ.Phụ nữ có tải lượng vi rút HIV <1000 copies / ml khi được đánh giá trong vòng 4 – 6 tuần trước sinh có thể chọn sinh thường. Trong tình huống này, nguy cơ truyền HIV cho trẻ trong khi sinh thường là rất thấp. Các nghiên cứu vẫn không rõ ràng về việc sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ này thêm nữa .Nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích của việc sinh mổ so với sinh thường với bác sĩ.Phụ nữ đã sử dụng thuốc điều trị HIV và thai kì trong suốt thai kỳ nhưng tải lượng virus trên 1000 copies/ ml. Thì khi thai 34 – 36 tuần thường được khuyên nên sinh mổ. Trong tình huống này, sinh mổ thường được lên kế hoạch ở tuần 38 của thai kỳ.

Bác sỹ Trung tâm KSBT tư vấn điều trị cho phụ nữ nhiếm HIV

 

BBT: Thưa bác sỹ, sau khi sinh nên thực hiện các biện pháp gì để phòng lây nhiễm HIV cho trẻ?

Bác sỹ Phùng Bình Văn: Sau sinh, việc chăm sóc cho mẹ nhiễm HIV cũng tương tự như chăm sóc cho các mẹ khác.Chỉ cần cẩn trọng trong lau rửa một một số vết thương và sản dịch.Đối với mẹ có lượng CD4 thấp, lại càng nên cẩn thận, để tránh nhiễm trùng cho mẹ.Vì những mẹ có lượng CD4 thấp có hệ miễn dịch yếu hơn nên càng phải cẩn thận hơn. Việc tiếp tục dùng thuốc hay không sẽ do bác sĩ điều trị HIV quyết định. Dựa trên những lợi ích và nguy cơ của dùng thuốc trong giai đoạn này bác sĩ sẽ lựa chọn.

Phụ nữ nhiễm HIV cho con bú có thể truyền HIV cho trẻ sơ sinh.Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thì cứ 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì sẽ có khoảng 10 đứa trẻ sinh ra bị lây truyền HIV trong giai đoạn bú sữa mẹ. Trong đó, sẽ có khoảng 20% trẻ bị nhiễm khi bú mẹ hoàn toàn. Nếu được nuôi kết hợp sữa mẹ và sữa công thức tỷ lệ lây nhiễm là khoảng 25 – 35%. Đối với những trẻ được bú mẹ tới 24 tháng thì tỷ lệ lây nhiễm HIV là khoảng 30 – 45%. Vì vậy, đối với trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV: Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện.Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Thời gian bú mẹ càng dài trẻ càng có nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV.

Có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn lây truyền HIV sang cho trẻ. Điều quan trọng, chúng ta cần phải xác định rõ nguy cơ HIV và thai kì của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa.

BBT: Xin cảm ơn bác sỹ!

Thành Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.169
Tháng 04 : 175.154
Năm 2024 : 672.373
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.470.887