Lập hồ sơ sức khỏe – nỗ lực của ngành Y tế
Mỗi người dân sẽ được cấp một mã định danh cá nhân (gọi tắt là ID) trên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử để xem thông tin về sức khỏe của mình qua hệ thống. Các thông tin được bảo mật như tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch... Đây chỉ là một trong rất nhiều tiện ích mà hồ sơ sức khỏe đem lại cho người dân. Ngành Y tế hiện đang nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm phấn đấu đến hết năm 2018, tỷ lệ người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe là 80%; riêng cán bộ, nhân viên y tế 100% được khám, lập hồ sơ sức khỏe.
Ngay sau khi Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 12/2/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn được ban hành, ngành Y tế đã xây dựng Kế hoạch chi tiết và phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành đã phối hợp với Viettel Hà Tĩnh, các huyện, thị, thành phố cài đặt phần mềm cho các đơn vị, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo hướng cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế các tuyến trực tiếp sử dụng phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân. Đến nay 262 trạm y tế xã đã được cài đặt phần mềm, gần 1 ngàn cán bộ các cấp được tập huấn và sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe. Bên cạnh đó ngành Y tế cũng huy động cán bộ từ tỉnh xuống đến huyện, xã, thôn bản cùng tham gia điều tra, khám và nhập dữ liệu về hồ sơ sức khỏe cho người dân. Việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm tại các địa phương, đơn vị với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền. Ông Lê Đức Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của lập hồ sơ sức khỏe đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn, huyện Hương Sơn đã xây dựng kế hoạch , ban hành chỉ thị, giao nhiệm vụ, phổ biến tới tận chi bộ, cấp ủy, thôn, xóm để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lập hồ sơ sức khỏe”.

Từ nhiều tháng nay tại các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh, bên cạnh đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh thường xuyên, nhân viên y tế còn tập trung khám và nhập dữ liệu hồ sơ sức khỏe cho từng người dân. Máy tính thiếu thì được huy động từ các cá nhân, nhân lực thiếu thì được huyện điều động về hỗ trợ. Cán bộ y tế xã, cán bộ y tế thôn, xóm tranh thủ từng giờ đi từng nhà dân tuyên truyền, khám và lập hồ sơ sức khỏe mỗi người. BS CKII. Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vũ Quang cho biết: Để đẩy nhanh việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân, Trung tâm Y tế dự phòng đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ y tế thôn, xóm đồng thời cử cán bộ xuống tăng cường cho các trạm y tế ít người, xa trung tâm để hỗ trợ khám và lập hồ sơ sức khỏe cho người dân. Theo số liệu cập nhật, đến nay 13/13 huyện, thị, thành phố đã triển khai lập hồ sơ sức khỏe, toàn tỉnh có 27,3% hồ sơ được cập nhật. Một số địa phương có số lượng hồ sơ được cập nhật cao như: thành phố Hà Tĩnh, Hương Sơn, Vũ Quang...
Theo kế hoạch việc lập hồ sơ sức khỏe sẽ thực hiện thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1, từ nay đến ngày 31/7/2018, sẽ tiến hành các hoạt động: Tổ chức tập huấn, giới thiệu phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân cho cán bộ Sở Y tế, các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện; tập huấn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 831/QĐ-BYT và nhập hồ sơ vào phần mềm cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực khám sàng lọc, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm và nguyên lý y học gia đình cho các trạm y tế, trung tâm y tế/y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; cập nhật các dữ liệu cá nhân có sẵn đang được quản lý tại các cơ sở y tế... nhập các thông tin y tế vào hồ sơ sức khỏe khi người dân đến khám bệnh tại các cơ sở y tế; triển khai cổng tra cứu và cung cấp tài khoản truy cập đến từng người dân đã có thông tin trên hệ thống hồ sơ sức khỏe. Giai đoạn 2: Từ ngày 1/8 – đến ngày 31/12/2018, tiếp tục tạo lập mới hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho những người đến khám lần đầu; đồng thời, cập nhật, bổ sung các thông tin sức khỏe vào hồ sơ cho những lần khám tiếp theo. Từ ngày 1/1/2019, duy trì công tác quản lý sức khỏe người dân; tiếp tục lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho những người chưa thực hiện trong năm 2018; thường xuyên cập nhật, bổ sung các thông tin sức khỏe cá nhân khi người dân tham gia khám sức khỏe, KCB tại các cơ sở y tế và từ các nguồn dữ liệu khác.
Theo Bác sỹ Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh: lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân là một việc làm có ý nghĩa, tốt cho người dân, và cả hệ thống y tế. Tuy nhiên đây là việc làm rất khó đòi hỏi cả một quá trình, sự tham gia tích cực từ phía người dân và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế từ y tế cơ sở đến tuyến huyện, tỉnh. Vì vậy để làm tốt công tác lập hồ sơ sức khỏe rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong công tác vận động nhân dân. Đặc biệt mong muốn người dân tham gia chủ động tích cực vào việc cung cấp thông tin, khám, lập hồ sơ sức khỏe; đội ngũ cán bộ y tế các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc lập hồ sơ sức khỏe, trong việc sử dụng các kết quả của hồ sơ sức khỏe để làm tốt công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách liên tục, có hệ thống.

Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân có thể nói là mơ ước của tất cả người dân, của ngành y tế và ngành Bảo hiểm. Quá trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn nhưng Ngành Y tế đang nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm phấn đấu đến hết năm 2018, tỷ lệ người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe là 80%; riêng cán bộ, nhân viên y tế 100% được khám, lập hồ sơ sức khỏe. Ngành cũng đang đề xuất để đưa tỷ lệ lập hồ sơ sức khỏe trở thành một trong các tiêu chí đánh giá trong xây dựng nông thôn mới năm 2018. Để thực hiện tốt việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân: người dân cần đến cơ sở khám chữa bệnh để lập hồ sơ sức khỏe, hỗ trợ cán bộ y tế làm công tác điều tra lập hồ sơ. Các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cần gương mẫu tiên phong trong việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho bản thân và gia đình; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức viên chức, người dân thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân và tuyên truyền về lợi ích của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân.
Thu Hòa
Lập hồ sơ sức khỏe là mỗi người dân được cấp một mã định danh cá nhân (ID) trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử để xem thông tin về sức khỏe của mình qua hệ thống. Các thông tin được bảo mật như tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe và các thông tin cá nhân khác gồm: Điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch... Hệ thống hồ sơ sức khỏe mang lại rất nhiều lợi ích. Giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ thông tin sức khỏe của người dân trong địa bàn tỉnh như: Mô hình bệnh, phân bố dân cư... để có thể hoạch định các chính sách cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế như: tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám chữa bệnh... Đối với y tế cơ sở sẽ giúp cho việc nắm rõ được thông tin sức khỏe của người dân trên địa bàn; chủ động lên kế hoạch và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, số hóa sổ sách tuyến cơ sở. Đặc biệt đối với người dân sẽ giúp chủ động tra cứu, nắm bắt thông tin sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh của bản thân và người thân; được chăm sóc sức khỏe chủ động từ tuyến cơ sở. Dữ liệu hồ sơ sức khỏe được bảo mật và liên thông trên toàn quốc để tăng hiệu quả việc khám chữa bệnh. Do đó, người dân sau này khám bệnh ở đâu trên địa bàn tỉnh, tiến tới là toàn quốc cũng được cập nhật vào hệ thống. Những thông tin cá nhân được bảo mật. |