Hơn 146 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số ở Hà Tĩnh
Sáng ngày 29/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do đồng chí Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế và các đơn vị liên quan về kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, để thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020, ngành Y tế Hà Tĩnh đã được phân bổ hơn 146 tỷ đồng, trong đó, kinh phí của tỉnh là hơn 99,3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được phân bố cho 8 dự án trong chương trình nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong công tác phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng; tập trung nguồn lực để can thiệp kịp thời các yếu tố tác động có hại sức khỏe cộng đồng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm...
Theo đó, thực hiện dự án phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016 – 2020, Hà Tĩnh phát hiện 850 bệnh nhân lao; tỷ lệ điều trị thành công trên 90%; không phát hiện bệnh nhân phong mới, 100% bệnh nhân phong được chăm sóc, hướng dẫn phòng tránh tàn tật.
Bệnh nhân sốt rét giảm dần qua các năm; công tác phòng chống sốt xuất huyết được chủ động ngay từ đầu năm. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân giai đoạn 2017 – 2020 giảm 8% so với giai đoạn 2011 – 2015. Hoạt động phòng chống bệnh tâm thần, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn… đều được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan. Dự án tiêm chủng mở rộng được duy trì, triển khai thường xuyên tại 100% xã phường, thị trấn đảm bảo an toàn, đúng tiến độ. Tỷ lệ trẻ em và phụ nữ mang thai được tiêm chủng đạt kết quả khá.
Hiện, tỉnh đang triển khai các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Tỷ lệ sinh trên hai con có xu hướng tăng; tỷ lệ phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai đạt và vượt chỉ tiêu đề ra…
Đối với dự án an toàn vệ sinh thực phẩm, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý gần 6.000 lượt cơ sở vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước gần 8 tỷ đồng. Sau sự cố môi trường biển, ngành y tế đã phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các cảng cá, bến cá…
Các dự án còn lại như: phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm máu an toàn và phòng chống một số bệnh lý huyết học; quân dân y kết hợp; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế... đều được thực hiện đầy đủ và đạt nhiều kết quả tốt.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, mỗi địa phương có đặc thù riêng, việc quy định tách bạch các khoản chi từ nguồn kinh phí trung ương và địa phương gây khó cho quá trình thực hiện các dự án của chương trình. Do đó, cần sửa đổi quy định quản lý, sử dụng kinh phí theo hướng linh hoạt cho địa phương, tạo thuận lợi cho việc triển khai, hoàn thiện mục tiêu chương trình.
Một số vấn đề cũng được các các đại biểu đề cập như: Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa phù hợp để áp dụng trong nhiều trường hợp, cần quy định mức phạt theo quy mô sản xuất. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh của Hà Tĩnh còn đạt thấp; mức sinh cao; số hóa các thủ tục về y tế...
Sau khi phân tích các vấn đề liên quan, ngành Y tế Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2021 – 2025. Để nâng cao hiệu quả của chương trình, hằng năm, trung ương cần có kế hoạch cấp kinh phí ngay từ đầu năm; mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số…
Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đạt được trong quá trình thực hiện các dự án của chương trình giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là việc tỉnh quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn ngân sách lớn. Thành viên của đoàn cũng giải đáp một số thắc mắc của các đại biểu liên quan đến các dự án; đồng thời, đề nghị ngành y tế Hà Tĩnh lập dự toán cụ thể, hợp lý các khoản mục; rà soát lại hệ thống, nhân lực để chủ động trong tình hình mới.
Đức Mạnh