Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác An toàn thực phẩm năm 2019, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới
Sáng ngày 17/01, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Cùng chủ trì có bác sỹ Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế - Phó Trưởng Ban Thường trực; đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành ATTP tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tại 13 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Theo báo cáo Tổng kết công tác ATTP năm 2019 của BCĐ liên ngành tỉnh, trong năm 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến tận cơ sở, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Trung thu, tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội, chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao hơn so với trước. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trong năm là 13.071 lượt cơ sở trong đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính là 759 cơ sở với tổng số tiền là 1,237 tỷ đồng; tịch thu và thiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm có giá trị lớn như 200kg chè; 420kg nguyên liệu; 17.200kg động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; 34kg nem chua sử dụng nguyên liệu không đảm bảo theo quy định; 75 lít nước mắm có sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc...
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Sử dụng phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng đã quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất; khu vực sản xuất, chế biến có côn trùng, động vật gây hại; không hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn...
Trong năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm làm 87 người mắc, 01 ca tử vong; số ca ngộ độc đơn lẻ là 1.596 trường hợp. Cũng trong năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp 566 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 650 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Công tác quản lý giết mổ, kiểm dịch gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo quyết liệt; tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đạt 69% đối với lợn và 83% đối với trâu, bò; công tác kiểm tra dịch ngoại tỉnh được kiểm soát chặt chẻ, đúng quy trình... ngoài ra các nhiệm vụ khác như công tác sản xuất nông, lâm, thủy hải sản được đảm bảo chất lượng, ATTP; công tác quản lý, xây dựng chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng được quan tâm đầu tư nên đã quản lý rất tốt nguồn liệu đầu vào của các sản phẩm thực phẩm.
Tại Hội nghị, các Sở, ban ngành, địa phương đã trình bày nhiều tham luận về: Tình hình quản lý giết mổ, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm; tình hình quản lý, kinh doanh, sản xuất rượu và các sản phẩm truyền thống; quản lý thị trường và chống buôn lậu gian lận thương mại; quản lý ATTP trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố... Từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp đối với từng lĩnh vực nhằm đảm bảo công tác ATTP trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh công tác an toàn vệ sinh thực phẩm là nội dung đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân. Đ/c cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm đối với việc đảm bảo ATTP hiện nay, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề.
Đồng chí Phó Chủ tịch nhấn mạnh, thời gian tới, để đảm bảo công tác ATTP, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến tận cơ sở; chấn chỉnh lại lực lượng thực thi công tác ATTP đặc biệt là tại các lò giết mổ; cần làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương; chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất đối với các vi phạm về ATTP; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo chất lượng và tăng năng suất các đàn gia súc, gia cầm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tổ chức tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP; nâng cao chất lượng các sản phẩm sản xuất tại tỉnh nhà nhằm phục vụ tốt hơn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng. Đồng thời các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác ATTP trên địa bàn để người dân cùng biết.
Huy Hoàng