• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề về ngành Y tế

Sáng 16/7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với sở Y tế tổ chức hội nghị tiếp xúc chuyên đề với ngành Y tế. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND), Mặt trận tổ quốc tỉnh, Sở Tài Chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh một số cơ quan, đơn vị liên quan. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh  Nguyễn Văn Sơn Giám đốc sở Y tế  Lê Ngọc Châu chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị tiếp xúc chuyên đề, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào một số vướng mắc của các đơn vị trong thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCBBHYT) như: chi phí vượt tổng mức thanh toán; chi phí vượt trần đa tuyến đến, chi phí vượt dự toán; căn cứ giao dự toán BHYT hằng năm; chênh lệch giá gây mê, gây tê; chênh lệch giá thuốc; không thanh toán tiền phim cho hệ thống PACS, thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật chưa có mã thanh toán.

 

Theo báo cáo của sở Y tế, hiện nay, ngành Y tế Hà Tĩnh có 19 cơ sở y tế công lập thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm 06 bệnh viện tuyến tỉnh; 07 bệnh viện tuyến huyện và 06 Trung tâm y tếđa chức năng tuyến huyện. Nguồn thu chủ yếu của cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh từ hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán. Tuy nhiên, công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT hàng quý, hàng năm của cơ quan BHXH còn chậm, dẫn đến việc bệnh viện thiếu hụt kinh phí hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở y tế đã, đang chịu tác động và gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đến thời điểm báo cáo, tổng kinh phí KCB BHYT năm 2017, 2018 và năm 2019 chưa được BHXH Hà Tĩnh quyết toán gần 250 tỷ đồng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng: vẫn còn hơn 8 tỷ của bệnh viện chưa được thanh toán. Năm 2018-2019 BHXH thanh toán giá không đúng và ở mức thấp so với quy định.

 

Bs. Trần Nguyên Phú – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố: có quá nhiều văn bản hướng dẫn. Đề nghị rà soát lại văn bản của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh xem có đúng pháp luật không. 2 năm chưa thanh toán cho bệnh viện thành phố trên 28 tỷ.
Bs. Bùi Thị Mai Hương – Phụ trách bệnh viện Y học cổ truyền: kịp thời cấp ứng cho các bệnh viện để hạch toán khám chữa bệnh. Yêu cầu tính đúng, tính đủ để bệnh viện đảm bảo các điều kiện phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện được xây dựng năm 2005, đến nay vẫn còn một số hạng mục chưa được xây dựng, đề nghị phê duyệt kinh phí xây dựng giai đoạn 2 của bệnh viện.

 

Tại hội nghị đại biểu ngành Y tế cũng chia sẻ những khó khăn của ngành trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế dẫn đến phần lớn các đơn vị đều bị giảm nguồn thu (giảm từ 10-25%), ảnh hưởng khả năng cân đối thu chi và mức độ tự chủ của đơn vị. Việc chưa ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu thầu và danh mục vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm đấu thầu tập trung dẫn đến khó khăn về mua sắm cho các cơ sở y tế. Việc phân loại đơn vị sự nghiệp và phê duyệt phương án tự chủ các đơn sự nghiệp y tế gặp vướng mắc do chưa có Thông tư hướng dẫn về xếp hạng, cơ chế tài chính tại Trung tâm Y tế huyện. Cơ chế tài chính tại các trạm y tế chưa rõ ràng. Một số chi phí chưa được kết cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở KCB. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị gặp khó khăn. Đặc biệt là thuê các phần mềm tại các trạm y tế như: phần mềm HIS, phần mềm HSSK…

Ông  Võ Viết Quang – Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh: vướng mắc chủ yếu do cơ chế chính sách và chưa thống nhất trong quan điểm của các cơ quan chủ quản. Trong quá trình thẩm định thanh quyết toán BHXH tỉnh căn cứ vào các văn bản, hướng dẫn, quy định của ngành BHXH và Bộ Y tế

 

Bs. Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ: để đảm bảo tính công bằng trong khám chữa bệnh BHYT cần tính đến các yếu tố  tăng giảm do điều kiện khách quan. Bệnh viện cũng là một doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ trong dịch Covid-19. Trong dịch bệnh viện mất khoảng 30-50% bệnh nhân. Cần tính thâm niên công tác cho cán bộ y tế.

 

Đại biểu ngành Y tế cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội sớm trình Quốc hội ban hành sửa đổi những điều bất cấp, chưa hợp lý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế; một số văn bản, thông tư, hướng dẫn trong đấu thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm trong các cơ sở y tế. Bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa có mã thanh toán và mã tương đương thanh toán để các cơ sở KCB có căn cứ thanh toán chi phí dịchvụ KCB BHYT. Sớm ban hành Thông tư thống nhất các dịch vụ kỹ thuật để làm cơ sở cho việc tính giá và áp giá thanh toán trong KCB… Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành có liên quan và các địa phương hoàn thiện mô hình Trung tâm Y tế huyện theo kế hoạch để sớm ổn định tổ chức bộ máy y tế tuyến cơ sở. Xem xét ưu tiên các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế; Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thuê phần mềm quản lý khám chữa bệnh cho các trạm y tế giai đoạn 2020-2022; Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị ngành Y tế…

Bs. Lê Ngọc Châu- Giám đốc Sở Y tế: xung quanh chính sách BHYT liên quan đến tổng trần cần thay đổi. Bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao việc xây dựng trần thanh toán là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của ngành Y tế. Xác định những nhóm việc nhà nước đặt hàng với ngành Y tế và trả tiền cho bệnh viện để trả lương cho nhân viên. Chia sẻ dữ liệu chung của Bảo hiểm xã hội với ngành Y tế để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT. Đề nghị thành lập một cơ quan giám định thanh quyết toán BHYT độc lập với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội…

 

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành y tế, tài chính, bảo hiểm xã hội đã chia sẻ với cử tri về những khó khăn, áp lực của ngành trong thời gian qua, đồng thời giải đáp và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện quy định, chính sách của ngành để xem xét, giải quyết.

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao vai trò của ngành Y tế thời gian qua, đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống Covid-19; chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế. Đồng thời nhấn mạnh Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, ghi nhận các nội dung kiến nghị, phản ánh của đại biểu ngành Y tế; sẽ tổng hợp để tiếp tục chuyển đến các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền.

Thu Hòa – Tuấn Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.138
Tháng 04 : 176.123
Năm 2024 : 673.342
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.471.856