• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 13/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Lương cơ sở tăng tác động đến viện phí và bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh ra sao?; Bệnh tay chân miệng gia tăng phức tạp, truyền thuốc cứu sống bệnh nhi ngoạn mục; Gia tăng trẻ gặp biến chứng viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae; Lý do 90% phụ nữ Việt từng mắc bệnh phụ khoa

Lương cơ sở tăng tác động đến viện phí và bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh ra sao?

Theo Bộ Y tế, nếu điều chỉnh viện phí theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, tỷ lệ tăng bình quân của giá khám chữa bệnh là 5%.

Bộ Y tế vừa có văn bản phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành, đối với lộ trình điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh.

Theo văn bản này, hiện viện phí mới tính 2 trên 4 yếu tố cấu thành, gồm chi phí trực tiếp (như thuốc, vật tư, điện, nước, điều hòa, vệ sinh...) và tiền lương, chưa tính hai yếu tố gồm: "chi phí quản lý" và "chi phí khấu hao thiết bị".

Nếu điều chỉnh viện phí theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng, tỷ lệ tăng bình quân của giá khám chữa bệnh là 5% (điều chỉnh theo phương án dựa trên cơ sở danh mục kỹ thuật hiện hành, vẫn giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành và chỉ điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới).

Khi đó, chi quỹ BHYT tăng khoảng 2.700 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng thì nguồn thu quỹ BHYT cũng sẽ tăng do mức đóng của người tham gia BHYT cũng tăng.

Còn nếu tính yếu tố "chi phí quản lý" vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám chữa bệnh là 4%, chi quỹ BHYT tăng khoảng 2.180 tỷ đồng/năm.

Như vậy, nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng bình quân 9%.

Về tác động đến chỉ số CPI - chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Y tế cho biết, với việc giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng bình quân là 9%, căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự kiến tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung dưới 0,41 điểm phần trăm.

Về tác động của điều chỉnh viện phí theo mức tăng của lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng (từ 1/7/2023) đối với các nhóm đối tượng có thẻ BHYT, Bộ Y tế cho biết: Với người tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100%, sẽ "không bị ảnh hưởng".

Còn với các đối tượng phải đồng chi trả 20% hay 5%, theo Bộ Y tế, khoản phải chi trả tăng thêm không nhiều, người bệnh có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.

Bộ Y tế cũng cho rằng nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh, quỹ BHYT vẫn đủ khả năng cân đối. (Theo An Ninh Thủ đô)

Bệnh tay chân miệng gia tăng phức tạp, truyền thuốc cứu sống bệnh nhi ngoạn mục

 

Tình trạng bệnh nhi mắc tay chân miệng chuyển biến nặng rất nhanh, các bác sĩ sau khi hội chẩn đã khẩn trương lên phác đồ điều trị, thuyền thuốc đặc trị và cứu sống bệnh nhi một cách ngoạn mục.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, số ca mắc tay chân miệng tăng cao đột biến trong tháng 6 và 7. Nếu như trong tháng 6, bệnh viện tiếp nhận 148 ca thì chỉ trong 11 ngày đầu tháng 7, cơ sở này đã tiếp nhận hơn 141 ca tay chân miệng từ Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi đến thăm khám, điều trị. Số lượng ca bệnh nặng cũng tăng lên, trong đó có 6 ca thuộc nhóm IIB, phải truyền thuốc đặc trị.

Đảm bảo nguồn thuốc đặc trị

Tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có 60-70 bệnh nhân khám ngoại trú, 80-100 bệnh nhân khám, điều trị nội trú. Tỷ lệ bệnh nhân nặng cần truyền thuốc điều trị đặc thù cũng tăng theo.

Trao đổi với phóng viên chiều ngày 12/7, Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh – Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn diễn biến phức tạp, số ca nhập viện tăng cao so với trước đây. Bệnh viện có 4 ca nặng phải truyền các loại thuốc điều trị đặc chủng của bệnh này như: Phenobarbital, Milrinone, thể IVIG…

Về vấn đề thuốc đặc trị bệnh, bác sĩ Thịnh cho biết, hiện bệnh viện cơ bản có đủ thuốc để điều trị cho các bệnh nhi mắc tay chân miệng diễn tiến nặng.

 

"Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus gây ra, nên một trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần với các chủng khác nhau. Trong đó chủng Enterovirus 71 (EV71) gây ra biến chứng nặng cho các bệnh nhân nhi. Do đó, các bác sĩ luôn khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy các bé có những biểu hiện như: sốt cao, tiêu chảy, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân… không nên chủ quan. Nhiều người đưa trẻ đến phòng khám tư với suy nghĩ chỉ là sốt phát ban dẫn đến nhập viện trễ, nguy cơ bệnh diễn biến nặng rất nguy hiểm", bác sĩ Thịnh nói.

Truyền thuốc cứu sống bệnh nhi diễn biến nặng

Chị LNC. (mẹ của cháu V., 3 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, cách đây mấy ngày, cháu bị sốt cao, kèm theo nôn ói liên tục. Khi đến khám tại các cơ sở y tế tuyến dưới được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa. Sau khi về nhà, cháu càng sốt cao hơn, giật mình… nên hôm sau, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi khám cấp cứu.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ đưa bé V. về khoa tiêu hóa để theo dõi. Tuy nhiên, diễn biến bệnh của bé càng trở nặng. Tay chân run, giật mình, không di chuyển được. "Sau khi các bác sĩ thăm khám, chụp chiếu và hội chẩn thì xác định con tôi bị tay chân miệng. Cháu được chuyển về Khoa Y học Nhiệt đới để theo dõi, điều trị", chị C. cho hay.

Bác sĩ Thịnh cho biết, qua hội chẩn, xác định bé V. bị tay chân miệng gây biến chứng thần kinh, mức độ nặng cấp độ IIB2. Bé được chuyển về Khoa Y học Nhiệt đới để truyền thuốc đặc trị và được các bác sĩ theo dõi, thăm khám thường xuyên. Qua hơn một tuần điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định trở lại. Bé đã cắt sốt, có thể đi lại. "Rất may là bé V. được nhập viện để thăm khám kịp thời, nếu để kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm. Sau khi truyền thuốc đặc trị, bé đã hồi phục cơ bản 70-80%", bác sĩ Thịnh thông tin.

Ôm con trên tay, chị C. cảm ơn các bác sĩ đã kịp thời điều trị cho cháu. Bởi từ khi mắc bệnh, cháu V. yếu dần và diễn tiến bệnh rất nhanh. Có thời điểm, cháu V. sốt cao liên tục không hạ, tay chân co giật… khiến gia đình rất lo lắng. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)

Gia tăng trẻ gặp biến chứng viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae

 

Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một số ca bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae

 

Gần 40% trẻ nhập viện viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma pneumoniae

Gần đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều trẻ mắc viêm phổi phải nhập viện điều trị. Trong đó, tỷ lệ mắc M.pneumoniae chiếm 30-40% số bệnh nhân viêm phổi.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Hoàng Hải, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae) là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ em và cũng có biểu hiện một số bệnh lý ở các cơ quan khác ngoài phổi.

Viêm phổi do mycoplasma gây ra bởi vi khuẩn mycoplasma pneumonia. Loại viêm phổi này còn được gọi là viêm phổi không điển hình vì các triệu chứng khác với các triệu chứng viêm phổi do vi khuẩn thông thường khác.

M. pneumoniae có các protein kết dính có thể gắn vào màng biểu mô, đặc biệt là biểu mô đường hô hấp. Sau khi bám vào, M. pneumoniae sản xuất hydrogen peroxide hoặc superoxide gây tổn thương tế bào biểu mô và tế bào nhung mao. M.pneumonia có khả năng “đào hang” giữa các lông mao trong biểu mô đường hô hấp, cuối cùng gây bong tróc các biểu mô đường hô hấp. Ho kéo dài do ức chế chuyển động của các tế bào nhung mao.

M.pneumoniae có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng động, đặc biệt là ở trẻ em.

M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ, cũng như ảnh hướng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương.

Viêm phổi do mycoplasma pneumoniae có thể từ từ và bán cấp, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần. Khởi đầu trẻ có thể có những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ.

Sau đó bệnh có thể tiến triển hoặc gây biến chứng viêm phổi dẫn đến tình trạng sốt cao, ho kéo dài liên tục, khó thở, một số trẻ lớn có thể khởi phát cơn hen cấp tính hoặc có thêm các triệu chứng khác không điển hình như đau đầu, đau cơ, đau ngực,…

Tại Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn 2 triệu trường hợp nhiễm M.pneumoniae mỗi năm.

Mycoplasma pneumoniae cũng có thể gây ra các bệnh ngoài phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như là: xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, viêm gan cấp tính, thiếu máu tan máu tự miễn, viêm khớp và viêm tủy cắt ngang do sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên glycolipid của Mycoplasma pneumoniae phản ứng chéo với tế bào hồng cầu người và tế bào não theo cơ chế tự miễn.

Nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae phổ biến nhất ở trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Những biến chứng nguy hiểm của viêm phổi do mycoplasma pneumoniae

Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình, cha mẹ nên cho trẻ đi khám chuyên khoa nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.

Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…

Khi có nghi ngờ trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ làm xét nghiệm để xác định sự hiện diện của Mycoplasma pneumoniae như: Nuôi cấy vi khuẩn tìm vi khuẩn trên môi trường nuôi cấy đặc biệt; PCR là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, được sử dụng hàng đầu hiện nay ở các cơ sở y tế chuyên sâu; chẩn đoán huyết thanh bằng phương pháp ELISA để phát hiện sự có mặt kháng thể IgG và IgM trong huyết thanh.

Thuốc kháng sinh là liệu pháp điều trị đầu tiên đối với viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Vi khuẩn Mycoplasma pneumonia không có thành tế bào và do đó có khả năng kháng kháng sinh beta-lactam. Đa phần điều trị với các kháng sinh thông thường sẽ không có đáp ứng,

Một số bệnh nhân có biến chứng nặng hoặc nhiễm thể Mycoplasma pneumonia kháng thuốc sẽ phải nhập viện để có những điều trị đặc hiệu.

Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy, mọi người nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường như sốt, mệt mỏi, ho dai dẳng tại các cơ sở y tế uy tín.

Về phòng ngừa lây nhiễm, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh M. pneumoniae. Bệnh nhân cần được tư vấn về phòng chống nhiễm trùng và lây nhiễm khi có dịch. Bệnh nhân bị nhiễm M. pneumoniae nên được áp dụng biện pháp phòng ngừa giọt bắn trong toàn bộ thời gian mắc bệnh.

"Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang", bác sĩ Hoàng Hải khuyến cáo. (Theo Nhân dân online)

 

Lý do 90% phụ nữ Việt từng mắc bệnh phụ khoa

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) mắc bệnh liên quan phụ khoa ít nhất một lần trong đời.

 

Các bác sĩ cho hay hiện nay những bệnh lý phụ khoa ở nữ giới đang có xu hướng trẻ hóa do độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng sớm.

Ngại khám phụ khoa, ung thư không biết

Chị T.N. (35 tuổi, ngụ TP.HCM) phát hiện mình có triệu chứng ngứa, ra huyết trắng vùng âm đạo, khi đến bệnh viện kiểm tra được chẩn đoán viêm âm đạo, được bác sĩ tư vấn tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vì nghĩ chỉ là bệnh lý nhỏ không nguy hiểm nên chị đã không tầm soát ung thư và thăm khám định kỳ.

Ba năm sau, chị N. thấy mình có các triệu chứng đau bụng thường xuyên, đau hai chân mới đến khoa xương khớp thăm khám. Tuy nhiên, chị được các bác sĩ giới thiệu đến khoa sản để tầm soát ung thư, kết quả chẩn đoán chị N. mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 4, xuất hiện các hạch chèn ép khiến chân bị phù nề, tiên lượng dè dặt.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 90% phụ nữ Việt Nam độ tuổi sinh sản (15 - 49 tuổi) mắc bệnh phụ khoa ít nhất một lần trong đời, trong đó cứ 100 phụ nữ mắc bệnh thì có 11 người tái nhiễm nhiều lần.

Số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng từ 15 - 27%. Trong đó, nhóm phụ nữ có kiến thức, thu nhập ổn định chiếm hơn 70%. Bệnh xảy ra không chỉ ở phụ nữ đã lập gia đình mà cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.

Ông Trần Đăng Khoa, phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), cho hay đa số các chị em khi bị bệnh dù có cảm giác khó chịu, có biểu hiện ban đầu… nhưng vẫn cố chịu, thường có tâm lý e ngại, tự điều trị, không đi khám. Có đến 60% phụ nữ đã và đang mắc phải các chứng bệnh phụ khoa ngại ngùng và không đi khám phụ khoa định kỳ.

Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, chị em mắc bệnh mới đến bệnh viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian, có thể để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tới 35% bệnh nhân có thể mắc các biến chứng nguy hiểm.

Những bệnh phụ khoa nào thường gặp?

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền - phó khoa sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết hiện nay những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng… Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nguyên nhân do sự mất cân bằng môi trường vi khuẩn ở trong âm đạo, các vi khuẩn không có lợi phát triển và dẫn đến các bệnh lý viêm nhiễm, có liên quan mật thiết với quan hệ tình dục, đặc biệt trong những trường hợp quan hệ tình dục không an toàn.

Bên cạnh đó, một số thói quen trong sinh hoạt hằng ngày có thể gia tăng bệnh lý viêm nhiễm như vệ sinh vùng kín không đúng cách (nhiều chị em có thói quen ngâm hay rửa vùng kín từ hướng ngược đằng sau ra đằng trước, điều đó vô tình làm vi khuẩn có sẵn từ hậu môn xâm nhập vào vùng kín), hút nạo phá thai, chế độ sinh hoạt và làm việc không hợp lý.

Bác sĩ Huyền cho hay các bệnh lý phụ khoa thường có biểu hiện như khí hư ra nhiều, có màu vàng, xanh và có mùi bất thường, âm đạo có mùi, ngứa rát và đau, có thể có mụn bất thường, đau vùng kín khi quan hệ, ngứa rát khi đi tiểu…

Ở mức độ nặng hơn bệnh nhân có thể sốt, đau vùng bụng dưới: xuất hiện đột ngột, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội, có thể kích thích vùng bụng dưới như mót rặn, đi lỏng, rối loạn kinh nguyệt…

Có thể nguy hiểm đến tính mạng

Bác sĩ CKI Vũ Thị Thu - khoa sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết trước đây các bệnh lý phụ khoa thường xảy ra ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (trên 20 tuổi), nhưng thời gian gần đây thường xuất hiện ở nhóm tuổi vị thành niên do quan hệ tình dục sớm hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh lý phụ khoa tăng lên.

Đối với các bệnh lý phụ khoa có thể điều trị sớm bằng thuốc, tuy nhiên nếu chủ quan thăm khám, ở giai đoạn muộn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm dẫn đến vô sinh hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có thai ngoài tử cung, sẩy thai, sinh non…

Theo bác sĩ Thu, đến nay nữ giới vẫn chưa có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ, chỉ khi xuất hiện bệnh lý mới đi khám. Tuy nhiên, khi không có bệnh lý nữ giới cũng nên thăm khám định kỳ từ 6 tháng/lần. Với những người có tiền căn gia đình có người mắc ung thư phụ khoa nên đi khám thường xuyên hơn.

Bác sĩ Thu khuyến cáo để phòng tránh các bệnh phụ khoa, nữ giới nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, lối sống. Trong đó, quan hệ tình dục an toàn sẽ giúp phòng tránh được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Đồng thời không nên quan hệ tình dục bằng những dụng cụ kèm theo, gây rất nhiều nguy hiểm. Đặc biệt, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sinh sống.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế bệnh phụ khoa

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể phòng ngừa hiệu quả nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Nữ giới có thể bổ sung cho cơ thể các thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng, tránh dùng các chất kích thích gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bản thân và sức khỏe mọi người xung quanh. Bên cạnh đó rèn luyện thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc và tập thể thao hằng ngày.

Đối với những phụ nữ khi bắt đầu có quan hệ tình dục hay phụ nữ độc thân chưa từng có quan hệ tình dục cũng nên đi khám định kỳ để phát hiện các bệnh lý vùng âm hộ, âm đạo, các biến đổi cổ tử cung tiền ung thư và bệnh lý ở tử cung, buồng trứng.

                                                                                                   Theo Tuổi trẻ online


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 669
Tháng 07 : 669
Năm 2024 : 1.139.976
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.938.490