• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 14/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bảo đảm quyền lợi của người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Hà Nội 'nóng' nhất nước về sốt xuất huyết, mỗi tuần gần 500 ca; Ca mắc sốt rét tăng ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống….

 Bảo đảm quyền lợi của người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Các số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay đang có xu hướng gia tăng với tốc độ nhanh; nhiều địa phương đã có số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng tới hơn 85% dự toán. Tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế; lập khống hồ sơ cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm nhân thọ và quỹ Bảo hiểm y tế vẫn diễn ra trên địa bàn một số tỉnh…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, 5 tháng cuối năm 2023 để tập trung đánh giá các chỉ tiêu cần hoàn thành, những vấn đề cần tháo gỡ, giải quyết trong 5 tháng cuối năm, bảo đảm quỹ Bảo hiểm y tế được sử dụng hợp lý, phù hợp trong dự toán năm 2023.

Nguy cơ vượt dự toán

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Lê Văn Phúc cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 64,2 triệu lượt khám, chữa bệnh, tăng 29,2% so với 6 tháng đầu năm 2022. Tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước là 46.236 tỷ đồng, tăng 23,4%, số chi khám, chữa bệnh đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán tăng 16,2%... Dự kiến ước chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm 2023 là 120.666 tỷ đồng, đạt 107% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ước có 40 tỉnh vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó một số tỉnh vượt cao...

Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Ðức Hòa chỉ rõ, chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện đang có xu hướng gia tăng với tốc độ nhanh. Ước tính, tình hình chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm, ước 7 tháng đầu năm số chi từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã chiếm khoảng 60% dự toán Chính phủ giao tại Quyết định số 877/QÐ-TTg (ngày 20/7/2023): “Nhiệm vụ toàn ngành là phải có giải pháp quyết liệt kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm quyền lợi người tham gia, nhất là từ ngày 15/8/2023 khi Thông tư 13/2023/TT-BYT về khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp có hiệu lực...”.

Phó Tổng Giám đốc đề cập việc phải kiên quyết và có các biện pháp với một số vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế nổi bật gần đây, như: vụ việc lập khống hồ sơ cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, đồng thời thanh toán bảo hiểm y tế tại Ðồng Nai; vụ việc Công an tỉnh Nghệ An vừa khởi tố nhóm người lập khống hồ sơ bệnh án để hưởng bảo hiểm nhân thọ và trục lợi bảo hiểm y tế. Công an TP Vinh đang đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam giám định thiệt hại để truy tố tội gian lận bảo hiểm y tế...

Từ các vụ việc này, yêu cầu trách nhiệm cao hơn nữa từ Bảo hiểm xã hội các địa phương, phải xem xét, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm. Việc quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022, 2023 phải bảo đảm giải quyết đúng thời hạn, thời điểm theo quy định; phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc kiểm soát, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thực hiện phù hợp với dự toán đã xây dựng...

Quyết liệt ngăn chặn, xử lý các vi phạm

Tại hội nghị, các đơn vị nghiệp vụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất một số giải pháp toàn diện để có thể giải quyết các vấn đề trên. Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến Dương Tuấn Ðức chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong hoạt động giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giám đốc Dương Tuấn Ðức dẫn chứng những bất hợp lý cần được xem xét, giải quyết ngay trong việc tiến hành giám định chuyên đề tại Bảo hiểm xã hội các địa phương, diễn biến lượt khám, chữa bệnh 7 tháng đầu năm; các cơ sở y tế có mức gia tăng chi phí bất thường trên nhiều yếu tố khác nhau...

Vì vậy, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu đúng quy định về thời gian và chất lượng dữ liệu, chưa tạm ứng/quyết toán dữ liệu sai/thiếu thông tin; từ chối các yêu cầu thanh toán không trùng khớp giữa dữ liệu điện tử và hồ sơ bệnh án...

Vụ Thanh tra-Kiểm tra; Vụ Tài chính-Kế toán cũng hướng dẫn, đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện hiệu quả, nghiêm túc công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai phạm; xử lý dứt điểm công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh theo đúng thời gian quy định, không để tồn đọng...

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ðức Hòa cho rằng, tham gia công tác xây dựng pháp luật vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Bởi việc xây dựng chính sách tốt ngay từ gốc sẽ góp phần tổ chức chính sách hiệu quả, hạn chế tối đa các vướng mắc. Bảo hiểm xã hội các địa phương chính là các đơn vị trực tiếp thực hiện chính sách, phát hiện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, vì vậy cần tích cực tham gia cho ý kiến xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách.

Ðể bảo đảm quỹ Bảo hiểm y tế sử dụng hiệu quả trong dự toán 2023, Phó Tổng Giám đốc chỉ rõ: Hoạt động giám định bảo hiểm y tế phải bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng kết quả giám định với cơ sở khám, chữa bệnh. Những nội dung từ chối thanh toán, xuất toán hay chấp nhận thanh toán đều phải có lý do rõ ràng, đồng thuận với cơ sở y tế. Cần giám sát chặt chẽ việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, đề nghị cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

Yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế cho người bệnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua sắm, cung ứng vật tư y tế theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu trong sử dụng và thanh toán bảo hiểm y tế. Ðặc biệt không để tình trạng người bệnh bảo hiểm y tế phải chi trả các chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định. (Nhân dân, trang 8)

 

Hà Nội 'nóng' nhất nước về sốt xuất huyết, mỗi tuần gần 500 ca

Bốn tuần gần đây, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cấp kỳ. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm.

Nhiều ca bệnh nặng

Những ngày qua, các bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bệnh đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội đã ghi nhận 3.180 người mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Bệnh viện E, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận nhiều bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, nhiều trẻ tái mắc.

Điển hình trường hợp bé trai V.H. (8 tuổi, Hà Nội) có tiền sử mắc sốt xuất huyết cách đây 4 năm. Bé H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, đau mỏi người, nôn, đau đầu. 

Ở thời điểm nhập viện, trẻ đã xuất hiện chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ phải điều trị theo phác đồ, sau 10 ngày điều trị thì tình trạng mới ổn định.

Hai người trong gia đình cùng mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E. Anh N.K.T. (41 tuổi) cho hay trước đó người nhà anh (cũng từng mắc sốt xuất huyết) nhưng do lớn tuổi nên ông nhập viện ngay. 

"Còn tôi do chủ quan, đã từng mắc sốt xuất huyết và tự điều trị nên không vào viện. Đến ngày thứ 6 bắt đầu sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng không đỡ nên tôi mới đi khám, được bác sĩ yêu cầu nhập viện", anh T. nói.

Bác sĩ Đào Văn Cao, Bệnh viện E, cho hay người dân khi thấy sốt cao đột ngột cần đến cơ sở y tế thăm khám. 

Sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Theo bác sĩ Lâm, bệnh sốt xuất huyết Dengue có bốn loại tương ứng với bốn tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. 

Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột, diễn biến qua ba giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trẻ có thể tái mắc với các tuýp vi rút khác nhau nên cha mẹ chú ý không chủ quan.

Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết

Hằng năm, tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10 - 12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh tăng, ghi nhận xuất hiện sớm hơn dự kiến.

TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, cho hay Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh.

TS Dũng phân tích: chỉ trong quý 1 và quý 2, miền Bắc ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội cũng đang là điểm nóng về sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc. 

Trong thời gian tới, Hà Nội có số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi.

Theo CDC Hà Nội, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.

Có nên tự diệt muỗi bằng hóa chất?

Nhiều gia đình tự mua các loại hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, TS Dũng khuyến cáo người dân không nên tự mua hóa chất về phun. 

Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc. (Tuổi trẻ, trang 14).

Ca mắc sốt rét tăng ở một số địa phương, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống

Tại một số tỉnh, thành như Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4%, Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước diễn biến gia tăng ca mắc sốt rét tại tỉnh Lai Châu, Khánh Hoà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế hai tỉnh này về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt rét.

Thông tin của Cục Y tế dự phòng cho biết, theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lai Châu ghi nhận 64 trường hợp mắc sốt rét tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung tại huyện Mường Tè; tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt rét tăng 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc), tập trung tại huyện Khánh Vĩnh.

Kết quả kiểm tra, đánh giá diễn biến tình hình mắc sốt rét tại thực địa thấy nguyên nhân chính là địa bàn thuộc vùng sốt rét lưu hành nặng, điều kiện địa lý miền núi và kinh tế khó khăn, chủ yếu là người dân tộc với dân trí thấp; số người dân đi nương rẫy, khai thác nông lâm sản cao, nhưng việc chủ động phát hiện ca bệnh, ổ bệnh, quản lý các đối tượng mắc và nguy cơ sốt rét vẫn chưa được thực hiện hiệu quả; nhiều người dân chủ quan, không tuân thủ điều trị, công tác truyền thông phòng chống sốt rét còn hạn chế; việc phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành trong phòng chống sốt rét còn hạn chế.

Để tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa; Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Lai Châu và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Tổng hợp, phân tích sâu tình hình mắc sốt rét, xác định rõ nguyên nhân làm gia tăng mắc sốt rét và đánh giá nguy mắc sốt rét trên địa bàn. Kiểm tra và đánh giá việc triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị các trường hợp mắc sốt rét tại các địa phương.

Chỉ đạo tăng cường giám sát, chẩn đoán phát hiện, điều trị đúng phác đồ để hạn chế nguy cơ sốt rét nặng và tử vong, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh và hạn chế lây lan ra cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về giám sát, xét nghiệm và điều trị cho cán bộ y tế của địa phương.

Xây dựng kế hoạch đáp ứng gia tăng mắc sốt rét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để khẩn trương triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn và khống chế sự gia tăng của sốt rét trên địa bàn; tăng cường phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống để giải quyết tình hình sốt rét tại địa phương.

Cùng đó, tổ chức truyền thông các biện pháp phòng chống sốt rét cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét, thực hiện ngủ màn cả ở nhà và khi ngủ trong rừng, nương rẫy và khi bị mắc sốt rét thì sử dụng thuốc điều trị đầy đủ theo hướng dẫn. Cấp màn, võng có tẩm hóa chất diệt muỗi, kem xua muỗi; thực hiện tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân và phun hóa chất diệt muỗi tồn lưu tại các hộ gia đình và những nơi có nguy cơ cao.

Các tỉnh này cũng cần củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng chống sốt rét, nhất là y tế xã, thôn, bản. Đảm bảo bố trí nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phòng chống sốt rét; hướng dẫn và chi trả kinh phí mua hóa chất, kinh phí về giám sát, trả công người đi phun hóa chất và tẩm màn, bồi dưỡng người tham gia chống dịch và các hoạt động phòng chống sốt rét khác.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh này theo dõi sát diễn biến tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp phòng chống để có các biện chỉ đạo các địa phương kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh khác trên địa bàn tỉnh. Theo Báo sức khỏe và Đời sống

 

Thẩm mỹ viện dùng nhân viên lao công làm phẫu thuật cho khách

Mặc dù chỉ là nhân viên lao công, dọn dẹp tại cơ sở thẩm mỹ nhưng bà Th. lại được giao phẫu thuật căng da mặt cho khách hàng.

Ngày 14/8, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện một cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", sử dụng nhiều loại hóa chất để làm đẹp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Từ thông tin trinh sát, cơ quan công an đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn), địa chỉ tại 368 Hùng Vương (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) thì phát hiện hàng loạt các lỗi vi phạm.

Cụ thể tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở Thẩm mỹ Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; Văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; Hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom; Chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở…

Lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở này không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ; không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng (cỡ lớn) để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại tại cơ sở; vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra cơ sở thẩm mỹ này đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho một khách hàng và do nhân viên Trần Thị Th. thực hiện. Qua làm việc, bà Th. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào và cho biết bà là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.

Ngoài ra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…

Công an quận Thanh Khê đã tiến hành lập biên bản ghi nhận toàn bộ hành vi vi phạm của cơ sở và tiếp tục xác minh làm rõ. Theo Báo sức khỏe và Đời sống

 

Phá thai tại nhà, cô gái trẻ suýt mất mạng

Bệnh nhân N.T.B (19 tuổi) mang thai lần đầu ở mốc 24 tuần, mặc dù không có chỉ định đình chỉ thai nhưng vì lý do cá nhân đã tự mua thuốc phá thai trên mạng về uống tại nhà.

Sau khi uống thuốc được một thời gian thì bệnh nhân bắt đầu cảm thấy chóng mặt, đau bụng dữ dội và kèm theo chảy máu không ngừng. Nhận thấy mức độ nguy hiểm của vấn đề, gia đình đã lập tức đưa ngay vào khoa sản Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cấp cứu.

Khi nhập viện, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện băng huyết, huyết áp tụt và sốc do mất máu. Tiến hành thăm khám chuyên sâu thì phát hiện túi thai của bệnh nhân sảy không hoàn toàn. May mắn được các y bác sĩ cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch và sức khỏe đang dần ổn định trở lại.

Theo các bác sĩ, hiện nay, khi có ý định phá thai, thay vì đến các bệnh viện hay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp, nhiều chị em phụ nữ tự ý mua thuốc phá thai về uống tại nhà hoặc áp dụng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian với mong muốn sổ thai ra ngoài. Tuy nhiên, việc làm này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng của người mẹ nếu có biến chứng xảy ra.

Các bác sĩ chuyên khoa sản cho biết, thông thường phá thai bằng thuốc được chỉ định khi thai dưới 7 tuần tuổi, siêu âm thai phải làm tổ trong buồng tử cung và người mẹ không mắc các bệnh lý như tim mạch hay các bệnh về máu khác…

Vô sinh thứ phát sau nạo phá thai ngày càng nhiều

Phương pháp phá thai bằng thuốc (phá thai nội khoa) được đánh giá an toàn, hiệu quả nhưng với điều kiện kiên quyết là phải được thực hiện dưới sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ sản khoa tại các cơ sở y tế.

Thai phụ không được tự ý mua thuốc về phá thai tại nhà vì rất dễ xảy ra tai biến băng huyết, nhiễm trùng đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Sau khi phá thai cũng cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể nhanh hồi phục, đồng thời nên đi tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Theo Báo sức khỏe và Đời sống

Thanh Loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.769
Tháng 05 : 128.540
Năm 2024 : 847.839
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.646.353