Chung tay phòng chống đuối nước ở trẻ em
Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta liên tục xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm, khiến dư luận hết sức lo lắng. Vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Hà Tĩnh có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển trải dài trên nhiều huyện, với nhiều bãi biển - bãi tắm đẹp, có nhiều hồ chứa nước, là những nơi lý tưởng cho các hoạt động bơi, lặn… Nhất là vào dịp mùa hè đến, các em học sinh sắp bước vào kỳ nghỉ, cộng với thời tiết nóng nắng nên biển, ao, hồ, sông, suối luôn trở thành địa điểm để các em bơi, lặn, vui chơi. Cũng chính từ đây mà nhiều tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra.
Mặc dù đã rất nhiều năm trôi qua, nhưng đối với gia đình ông N.H.V (Can Lộc) nỗi đau vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai khi mất đi người con gái do tai nạn đuối nước. Bởi vậy mỗi khi nghe tin đâu đó có trẻ bị đuối nước là nỗi đau âm ỉ ấy lại trỗi dậy, những lúc như thế, ông chỉ biết cầu nguyện sẽ có phép màu cho những bạn trẻ ấy, để không còn gia đình nào phải chịu những mất mát như gia đình ông.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 14 ca tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó có 6 trẻ em. Con số này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường sống không đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.
Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể số lượng trẻ biết bơi trên địa bàn tỉnh thế nhưng thực tế không ít học sinh biết bơi nhưng không trang bị đủ kiến thức để ứng phó trước những tình huống nguy hiểm. Minh chứng là một số vụ việc học sinh cứu được bạn nhưng không cứu được chính mình.
Theo Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đã nêu 09 nhóm nhiệm vụ, bên cạnh nhóm nhiệm vụ giao các ban, ngành, UBND cấp tỉnh, thì một trong các nhiệm vụ hàng đầu đó là nhóm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các hộ gia đình, nhà trường và UBND cấp xã.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Cùng với sự vào cuộc của UBND tỉnh và các ngành, các cấp triển khai thực hiện yêu cầu công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, các tổ chức và cộng đồng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Đặc biệt, chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến dưới tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu các tai nạn thương tích thường gặp và đuối nước cho mạng lưới nhân viên y tế thôn xóm, nhân viên y tế trường học,… nhằm đảm bảo sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp đuối nước. Đảm bảo năng lực sơ cứu, cấp cứu của cán bộ y tế tại các Trạm y tế.
Đuối nước trẻ em là một vấn nạn đau lòng, các ban ngành thường xuyên quan tâm, triển khai các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này, vai trò giám sát, quản lý con em của mỗi gia đình; ý thức của chính bản thân các em mới là yếu tố tiên quyết. Mong rằng, với sự chung tay của toàn xã hội, các em sẽ có một mùa hè an toàn, bổ ích.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM - Phải thường xuyên giám sát trẻ em, nhất là trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, sử dụng điện thoại, nói chuyện… - Nên cho trẻ tập bơi sớm (từ 4 tuổi). - Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những chum nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được, những nơi có ao, hồ, giếng… phải có hàng rào, lưới phòng trẻ rơi xuống. - Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. - Ngoài các nội dung trên, người lớn cần nghiên cứu hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa đuối nước cho trẻ; học tập cách cấp cứu người đuối nước, để kịp thời cứu người bị đuối nước khi cần thiết. |
P. Nhật Linh