• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 của Omicron nguy hiểm đến mức nào?

Việt Nam vừa mới phát hiện trường hợp mắc BA.2.74, biến thể phụ của Omicron. Vậy biến thể phụ mới này và người anh em của nó BA.2.75 có gì nguy hiểm hơn không so với BA.5 chủ đạo đang gây ra làn sóng mắc mới toàn cầu hiện nay?

BA.2.74 và BA.2.75 nguy hiểm tới mức nào so với BA.5 siêu lây nhiễm?

Theo thông tin đăng tải trên Times of India, BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron “tàng hình” BA.2.

Cả 3 biến thể phụ mới BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 được cho là “hoàn chỉnh hơn” và thậm chí lây nhiễm cao hơn cả biến thể phụ Omicron BA.5. Thông tin trên được INSACOG (cơ quan về giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2) cho hay. Các dòng phụ mới xuất hiện này của Omicron đã dẫn đến làn sóng mắc mới COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ.

Biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 của Omicron nguy hiểm đến mức nào?

BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron tàng hình BA.2

Cho tới nay, BA.5 - biến thể phụ siêu lây nhiễm của Omicron đã gây ra làn sóng mắc COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ GISAID, cơ quan giải trình tự gene và giám sát các biến thể mới trên toàn cầu, BA.5 đã chiếm 52% số trường hợp giải trình tự gene tính đến ngày 25/7.

Vào đầu tháng 7 năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận 216 trường hợp mắc BA.2.74. Trong khi đó, biến thể phụ BA.2.75, một trong bộ ba phát sinh từ Omicron “tàng hình” nổi lên ở Ấn Độ kể từ khi phát hiện tới nay đã vượt trội cả BA.5 tại nước này.

Theo thông tin từ trang y khoa News Medical Life Sciences, bộ ba mới phát sinh này, đặc biệt là BA.2.75 đã gây ra mối quan ngại về khả năng lây lan của nó đối với các cơ quan giám sát và giải trình tự gene virus trên toàn cầu. Cho tới nay, BA.2.75 cũng đã lan tới một số quốc gia.

Hiện nay, theo báo cáo chính thức về tình trạng mắc, BA.5 là phiên bản dễ lây nhiễm nhất của virus SARS-CoV-2 với giá trị R0 18,6 (ở ngoài môi trường hoang dã có thể khoảng 2,79). Khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch khiến cho BA.5 đã sớm nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện. Một báo cáo từ New York cho thấy khả năng nhiễm trùng đột phá của BA.5 cao gấp 4,2 lần so với BA.1 (phiên bản gốc của Omicron).

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch ở một số người đã từng nhiễm Omicron BA.1. Điều này đồng nghĩa với việc một số người nhiễm Omicron thời kỳ đầu có thể vẫn mắc COVID-19 trở lại trước biến thể BA.5.

Những đột biến gene nào của BA.2.75 khiến biến thể phụ mới này trở nên đáng lo ngại?

Hiện theo báo cáo, biến thể phụ BA.5 vẫn là biến thể chủ đạo và gây ra tác động lớn nhất trên toàn cầu, biến thể phụ mới BA.2.75 kể từ khi nổi lên ở Ấn Độ đã nhanh chóng lây lan ra hơn chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Australia. Mặc dù vẫn còn chưa chắc chắn về mức độ nhập viện hay khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch của BA.2.75, nhưng biến thể phụ này đã khiến các chuyên gia lo ngại tới mức phải gắn “mốc đỏ” cho nó.

TS. Eric Topol, nhà sáng lập Viện nghiên cứu Scripps ở Mỹ lý giải rằng, BA2.75 chứa thêm 8 đột biến gene so với BA.5, có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn.

Tom Peacock - nhà virus học tại bộ phận bệnh truyền nhiễm, Đại học Hoàng gia London cũng cho biết protein gai nhọn ở BA.2.75 chứa một số đột biến chủ chốt: đáng chú ý về khả năng nhân lên của virus và khả năng lây nhiễm vượt qua vùng miền địa lý.

Theo nhà virus học nổi tiếng Jesse Bloom từ Fred Hutch, phân tích giải trình tự gene BA.2.75 cho thấy nó chứa thêm 17 đột biến nucleotide so với tổ tiên BA.2 trước đó, và thêm 2 đột biến nữa tác động tới thụ thể: G446S và Q493R ở protein gai nhọn.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy đột biến G446S là một trong những vị trí hiệu quả nhất giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch. Sự nổi lên của đột biến G446S giúp biến thể phụ của BA.2 có khả năng kháng sự trung hòa của miễn dịch chống lây nhiễm. Trong khi đó, Q493R lại giúp virus bám vào thụ thể ACE2 ở đường hô hấp để gây lây nhiễm COVID-19 cho người mắc.

Trong khi các mẫu xét nghiệm và giải trình tự gene vẫn còn khá ít, BA.2.75 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học bởi những đột biến gene cũng như khả năng nhân lên của virus.

Do đó, cần phải kiểm soát hiệu quả, truy vết BA.2.75 cũng như nghiên cứu thêm về biến thể phụ này. Những thay đổi về gene của virus tinh vi hơn cũng có thể xuất hiện trong sự tiến hóa tiếp theo của virus gây ra bệnh COVID-19 này.

Theo: báo SKĐS


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.612
Tháng 09 : 279.939
Năm 2024 : 2.245.155
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.043.669