Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân – Sứ mệnh thiêng liêng (Bài 1): Phòng tuyến quan trọng ở địa phương, cơ sở
Được coi là “thành lũy” đầu tiên trong hành trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân, thời gian qua, các trạm y tế tuyến xã và bệnh viện tuyến huyện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành “tấm khiên”, tạo được niềm tin vững chắc trong lòng Nhân dân.
Mong muốn góp sức mình vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người dân quê hương, năm 2001 bác sỹ Đoàn Đình Lục (SN 1975) chuyển công tác từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) về đảm nhận vai trò Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm (Hương Khê).
Trò chuyện cùng chúng tôi, bác sỹ Lục cho biết, thời điểm đó, xã miền núi biên giới này còn nghèo, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Địa bàn xã trải rộng với 12 thôn, xa trung tâm huyện nên các điều kiện CSSK ban đầu cho người dân hết sức thiếu thốn. “Nhớ những năm 2000, dịch sốt rét liên tục xảy ra, trong khi nhận thức của người dân về việc phòng ngừa dịch bệnh chưa cao. Để ngăn dịch bùng phát, chúng tôi đã có những đêm dài đi tìm muỗi, tìm nguồn bệnh. Thôn nào xuất hiện ca bệnh là chúng tôi lập tức lên đường” - bác sỹ Lục chia sẻ.
Trong cảm nhận của người dân xã miền núi, bác sỹ Lục cùng với 6 y sỹ, điều dưỡng tại Trạm Y tế xã Hương Lâm là những người mà họ trao gửi niềm tin. Anh Nguyễn Hồng Dũng - người dân thôn 12 cho biết: “Cuối tháng 12/2023, vốn dĩ có tiền sử dị ứng nên khi bị kiến ba khoang cắn, tôi rơi vào nguy hiểm, khó thở, cơ thể tím tái, sốc phản vệ. May mắn thay, khi tới trạm được các y, bác sỹ nhanh chóng thực hiện biện pháp cấp cứu nên tôi mới vượt qua được nguy hiểm. Đội ngũ y, bác sỹ tại Trạm Y tế xã Hương Lâm luôn là niềm tin yêu của người dân chúng tôi”.
00:00:52
Video: Bác sỹ Đoàn Đình Lục – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm chia sẻ về những khó khăn trong công tác y tế tại địa bàn.
Những năm gần đây, Trạm Y tế xã Hương Lâm đã được trang bị một số thiết bị hiện đại để phục vụ tốt hơn công tác khám chữa bệnh (KCB) ban đầu. Trung bình mỗi năm, trạm tiếp nhận, KCB cho hơn 7.500 lượt người và thực hiện hàng trăm ca cấp cứu ban đầu. Đây là con số “khổng lồ” đối với 1 trạm y tế trên địa bàn huyện miền núi Hương Khê.
Sáng đầu tuần tại Trạm Y tế xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), chúng tôi có dịp nghe cán bộ, nhân viên y tế ở đây kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong nghề, về những tháng ngày gian lao chống dịch COVID-19... Bác sỹ Nguyễn Xuân Từ (SN 1971) - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Nhượng chia sẻ: “Nhiều tình huống bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sinh tử, đòi hỏi y, bác sỹ ở cơ sở phải đủ năng lực để xử lý trong gang tấc. Gần 10 năm trước, toàn bộ nhân viên y tế tại trạm đã có một đêm khó quên khi phải cấp cứu cho một sản phụ bị băng huyết, trụy mạch. Chúng tôi đều khá căng thẳng trong ca cấp cứu này, thế nhưng với sự nỗ lực, kinh nghiệm xử lý của y, bác sỹ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”.
Được biết, với đặc thù vùng biển, hiện nay, dân số xã Cẩm Nhượng có hơn 11 nghìn người, tuy nhiên, Trạm Y tế xã chỉ có 6 nhân viên gồm: 2 bác sỹ, 3 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh nên áp lực công việc đè nặng lên vai. Thế nhưng, vượt qua bao thăng trầm cùng nghề, hạnh phúc của y, bác sỹ tại đây gói gọn trong cụm từ “chữa bệnh cứu người”.
Cùng trận tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện đang nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu cấp cứu, thu dung và điều trị cho người bệnh ngay tại địa bàn.
BVĐK thị xã Kỳ Anh đứng chân trên địa bàn cách xa với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, lại gắn thêm trách nhiệm CSSK cho cán bộ, công nhân, lao động ở Khu kinh tế Vũng Áng với số lượng rất đông. Bởi vậy, hằng ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca bệnh cấp cứu, nhất là liên quan đến các chấn thương do tai nạn lao động, tại nạn giao thông...
Chúng tôi gặp bác sỹ Lê Hồng Thắng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK thị xã Kỳ Anh) khi anh vừa kết thúc một ca phẫu thuật. Khi được hỏi về công việc của mình, bác sỹ Thắng đã bộc bạch: “Riêng Khoa Ngoại tổng hợp, trung bình mỗi năm, chúng tôi thực hiện khoảng 1.000 ca mổ. Để tiến hành những ca phức tạp, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, áp dụng các kỹ thuật mới. Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện thành công những ca phẫu thuật phức tạp như: cắt lách, khâu gan, mổ ruột thừa nội soi, tán sỏi tiết niệu...”.
Không ngừng nâng cao năng lực y tế tuyến huyện, lực lượng y, bác sỹ tại BVĐK thị xã Kỳ Anh đang nỗ lực kéo gần khoảng cách địa lý thông qua việc nâng cao tay nghề. Nhiều loại bệnh trước kia bệnh nhân phải chuyển tuyến, thì nay các y, bác sỹ ở đây đã điều trị được. Với những người như các bác sỹ: Lục, Từ, Thắng hay hàng nghìn y, bác sỹ khác ở hệ thống y tế tuyến xã, huyện, sức khỏe, sự bình an của mỗi người bệnh là niềm hạnh phúc sau những giờ phút miệt mài đấu trí trong buồng bệnh hay căng mình trong những ca mổ khó.
Để hệ thống y tế cơ sở thực hiện tốt được sứ mệnh bảo vệ, CSSK cho Nhân dân, ngoài sự nỗ lực, tận tâm, trách nhiệm của mỗi “chiến sỹ” blouse trắng còn là sự đồng hành, tiếp sức từ chính mỗi đơn vị, địa phương và ngành y tế thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời.
Là huyện miền núi, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nên hệ thống y tế, nhất là các trạm y tế cơ sở còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, xác định được y tế cơ sở là “thành lũy” đầu tiên trong bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân nên cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê hết sức quan tâm. Tất cả các chương trình, dự án từ cấp Trung ương, cấp tỉnh đến chương trình xây dựng NTM đều được huyện vận dụng tối đa để xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở. Đến nay, 12/21 trạm đã được đầu tư xây dựng, cải tạo khang trang, 9 trạm sẽ tiến hành xây dựng trong năm 2024.
Về mặt chuyên môn, bác sỹ Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê chia sẻ: “Xác định việc thu hút bác sỹ về trạm y tế xã hiện còn nhiều khó khăn nên trung tâm linh hoạt trong việc điều chuyển đội ngũ y, bác sỹ về cơ sở. Chúng tôi phân bổ 18 bác sỹ về các trạm cách xa trung tâm, 3 trạm còn lại sẽ có sự hỗ trợ của hệ thống y tế cấp huyện”.
Thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến huyện đều không ngừng đề ra chính sách để thu hút nguồn nhân lực gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng y, bác sỹ. Tại BVĐK thị xã Kỳ Anh, ngoài chính sách thu hút của tỉnh (hỗ trợ từ bác sỹ đa khoa đến bác sỹ CKII từ 250-300 triệu đồng), đơn vị còn xây dựng chính sách riêng để thu hút các bác sỹ về công tác. Đối với bác sỹ CKII, bệnh viện hỗ trợ 50 triệu đồng, bác sỹ CKI hỗ trợ 40 triệu đồng, bác sỹ đa khoa, chuyên khoa chính quy hỗ trợ một phần phương tiện đi lại.
Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc BVĐK thị xã Kỳ Anh cho biết: “Bên cạnh mời gọi người tài để nâng cao chất lượng đội ngũ, thời gian qua, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện kết nối của Sở Y tế, bệnh viện cũng đã tích cực liên hệ, mời gọi các cơ sở y tế đầu ngành cử chuyên gia tuyến trên về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật mới liên quan đến lĩnh vực cấp cứu, nhi khoa, sản khoa, xương khớp, xét nghiệm, gây mê, chẩn đoán hình ảnh...”.
Trong nỗ lực nâng chất hệ thống y tế toàn ngành, thời gian qua, Sở Y tế đã nỗ lực kết nối, tạo điều kiện để các cơ sở, nhất là tuyến huyện tham gia vào các đề án lớn của Bộ Y tế như: bệnh viện vệ tinh, hội chẩn trực tuyến, KCB từ xa... Hàng ngàn cuộc hội chẩn trực tuyến, KCB từ xa được các BVĐK thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh; Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn triển khai với các bệnh viện đầu ngành như: Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Trung ương Huế... nhằm hỗ trợ về chẩn đoán, điều trị các ca bệnh khó, qua đó, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ y, bác sỹ.
Sở Y tế cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nỗ lực kêu gọi nguồn lực nâng cấp toàn diện, đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế 2 cấp. Nguồn lực từ các cơ chế, chính sách của tỉnh, các dự án vốn đầu tư công trung hạn, vốn viện trợ; các đề án của Bộ Y tế và chương trình xây dựng NTM đã giúp hệ thống trạm y tế được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tất cả các đơn vị KCB tuyến huyện đã được đầu tư khá đồng bộ thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như: máy siêu âm 4D, X-quang kỹ thuật số, thiết bị phẫu thuật phaco, máy nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng laser; hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa; máy nội soi tai mũi họng; máy xét nghiệm huyết học tự động.
Hà Tĩnh cũng đang triển khai chương trình phục hồi phát triển kinh tế, trong đó, trên lĩnh vực y tế thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 4 BVĐK/trung tâm y tế và đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 19 trạm y tế tuyến xã với tổng mức đầu tư là 264,5 tỷ đồng. Trong tháng 6/2024, tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo 48 trạm y tế xã với tổng mức 208,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Hệ thống y tế cơ sở và tuyến huyện là phòng tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng và thực tế qua đại dịch COVID-19 càng khẳng định điều đó. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực cho 2 cấp y tế này là yêu cầu mang tính cấp thiết. Thời gian qua, trên cơ sở các cơ chế, chính sách, đề án của Trung ương, của tỉnh và sự vào cuộc trách nhiệm từ các địa phương nên hệ thống y tế cơ sở và tuyến huyện đã nâng tầm một cách nhanh chóng về chất lượng, đáp ứng sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân”.
Đến nay, 100% đơn vị KCB tuyến huyện đã triển khai thường quy phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật phaco. Nhiều bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật tuyến trên như chụp CT-Scaner, nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật kết hợp xương, tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser; kỹ thuật tiêu sợi huyết, phẫu thuật kết hợp xương, phục hồi chức năng, xử lý một số bệnh lý cấp cứu tim mạch... 100% trạm y tế xã được cài đặt và sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý KCB bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường.