Triển khai công tác y tế ứng phó với Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa, lũ
Thực hiện Công điện Số 13/CĐ-UBND ngày 17/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ động ứng phó với Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành yêu cầu triển khai những công việc cụ thể.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay 17/9 , áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông Hồi 13 giờ, Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng T y với tốc độ khoảng 25km/h và có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 đến 48 giờ tới, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11; bão có thể ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền khu vực Trung Bộ, Hà Tĩnh nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ chiều tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Hà Tĩnh có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100 - 300mm, có nơi trên 500mm, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn gây ngập úng ở các khu đô thị, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ; chủ động phòng chống lũ quét, phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời chính xác, hạn chế thấp nhất về người và tài sản do bão và mưa, lũ gây ra.
Các đơn vị triển khai phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xẩy ra lũ, lụt, sạt lỡ đất; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng dịch bệnh có thể phát dịch trong, sau mưa lũ.
Tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất.
Chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện, nhu yếu phẩm thiết yếu và phân công các đội y tế cơ động trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Các đơn vị tổng hợp số lượng cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt, bão dự trữ tại các đơn vị nếu có và báo cáo nhanh về Thường trực Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn ngành Y tế.
Nhật Thắng