• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết tại Hà Tĩnh

Năm 2017, Việt Nam chúng ta chứng kiến dịch Sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên toàn quốc, khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tổng số mắc 185.152 ca, tử vong 32 ca, thì ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục thành công trong công tác phòng chống dịch SXH.

Năm 2017, Việt Nam chúng ta chứng kiến dịch Sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên toàn quốc, khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tổng số mắc 185.152 ca, tử vong 32 ca, thì ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục thành công trong công tác phòng chống dịch SXH. Tính đến tháng 10/2017 Hà Tĩnh có tổng số 194 ca mắc, không có ca tử vong. Trong số đó có 103 ca vãng lai và 91 ca SXH tại 04 ổ dịch: xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (48 ca); xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (17 ca); xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh ( 13 ca) và phường Kỳ Long, Thị xã Kỳ Anh (13 ca); Các ổ dịch này được phát hiện sớm, bao vây dập tắt nhanh trong thời gian ngắn.

Với kinh nghiệm nhiều năm thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngay từ đầu năm, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã chuẩn bị khá đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, máy phun chống dịch...đồng thời tham mưu cho Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch SXH nói riêng trên toàn tỉnh.Hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến huyện thị, xã phường hoạt động liên tục, thường xuyên trên 2 kênh: Giám sát dựa vào cộng đồng và giám sát tại các cơ sở điều trị. Dựa trên mô hình dự báo sớm, đáp ứng nhanh dịch SXH (khí hậu thời tiết theo mùa và mật độ xuất hiện véc tơ truyền bệnh) ngay từ đầu mùa dịch, Ngành y tế đã huy động toàn thể cộng đồng nhân dân thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, thả cá vào các bể chứa nước diệt loăng quăng, bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát phát hiện các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ SXH tại các ổ dịch cũ và các địa phương có mật độ véc tơ truyền bệnh cao.

Lãnh đạo Sở Y tế và huyện Thạch Hà kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại thôn
Đông Hà 2, xã Thạch Long - huyện Thạch Hà

Theo đó, ngay khi giám sát phát hiện bệnh nhân nghi ngờ SXH đầu tiên,cán bộ xét nghiệm của các đơn vị YTDP tỉnh, huyện tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm chuyển về labo xét nghiệm của trung tâm YTDP tỉnh để chẩn đoán xác định trong vòng 24h. Hệ thống Y tế dự phòng cũng lập tức thông báo, phối hợp chặt chẽ với hệ thống các cơ sở điều trị từ tỉnh đến huyện, thị, xã phường trong việc thu dung, lập khu cách ly điều trị bệnh nhân kịp thời, đúng phác đồ, quyết tâm không để các bệnh nhân tử vong. Các đội cơ động của hệ thống YTDPtừ tỉnh đến huyện, thị, xã, phường lập tức huy động khoanh vùng dập dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tuyến chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, cộng đồng nhân dân, từng hộ gia đình quyết liệt triển khai chiến dịch tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy tại vùng dịch với phương châm “Không có loăng quăng/bọ gậy, không có SXH”. Cùng với chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy, hệ thống YTDP triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành để cắt đứt véc tơ lan truyền bệnh SXH ngay tại các hộ gia đình và khu vực lân cận trong vòng bán kính 200m tính từ nhà bệnh nhân đầu tiên; thiết lập hệ thống báo cáo dịch theo quy định của Bộ Y tế 24/24h, lập danh sách bệnh nhân, lập biểu đồ theo dõi diễn biến ổ dịch theo thời gian, vẽ đường cong dịch, phân tích các yếu tố dịch tễ liên quan như: độ tuổi, giới tính, typ virút, …Để từ đó, đề ra những quyết định chính xác, kịp thời trong xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Phương án khẩn cấp tăng cường cán bộ hệ dự phòng và điều trị từ tỉnh về huyện, huyện về xã cũng luôn đặt ra trong trường hợp dịch bùng phát.

Tại các bệnh viện nơi thu dung điều trị bệnh nhân, phun hóa chất bao vây toàn khu vực cách ly đề phòng dịch SXH lây lan.Đối với các trường hợp SXH vãng lai, được coi là một ổ dịch tiềm tàng, tiến hành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như một ổ dịch điển hình.Như vậy, với việc triển khai kế hoạch phòng chống dịch cụ thể nói trên, các vụ dịch SXH trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2017 được ngành Y tế khống chế và dập tắt. Có thể nói rằng, để thành công trong công tác phòng chống dịch SXH, ngoài trách nhiệm chính và kỹ thuật chuyên môn của ngành Y tế, vấn đề “ Huy động cả hệ thống chính trị, ban ngành đoàn thể chỉ đạo cùng toàn thể cộng đồng nhân dân, ngay trong từng hộ gia đình hưởng ứng, bắt tay trực tiếp tham gia triệt để chiến dịch diệt hết loăng quăng, bọ gậy”là vấn đề quan trọng then chốt nhất để cơ quan chuyên môn YTDP có thể xác định ngay mức độ khống chế thành công vụ dịch.

Một mùa xuân lại về trên quê hương đất nước, với những người làm công tác y tế dự phòng đó là cả một niềm vui lớn khi họ giữ được bình yên trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch SXH nói riêng, mang lại sự hài lòng và niềm tin lớn cho nhân dân tỉnh nhà. Hơn ai hết, mỗi một cán bộ ngành y tế Hà Tĩnh cảm thấy tự hào vì nhiệm vụ cao cả, nhận thức được đầy đủ vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân./.

TS. Nguyễn Lương Tâm.


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.418
Tháng 07 : 20.615
Năm 2024 : 1.159.922
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.958.436