• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mang nụ cười cho người tự kỷ

Phòng âm ngữ trị liệu, Khoa vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh được thành lập năm 2014, chuyên điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, tăng động, giảm chú ý, chậm nói, bại não...

Phòng âm ngữ trị liệu, Khoa vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh được thành lập năm 2014, chuyên điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, tăng động, giảm chú ý, chậm nói, bại não... Ban đầu chỉ có khoảng 30 trẻ/ngày, đến nay có từ 130 đến 160 trẻ/ngày, trong đó có 80 trẻ tự kỷ. Đây là đơn vị y tế công lập duy nhất tại Hà Tĩnh thực hiện điều trị cho nhóm đối tượng này. Sau gần 5 năm thành lập Phòng âm ngữ trị liệu đã đem đến nhiều niềm vui và nụ cười cho người tự kỷ.

Cháu Nguyễn Minh Đ.(5 tuổi), Hương Giang, Hương Khê vào điều trị trong tình trạng không tập trung giao tiếp, không nói được từ nào, đáp ứng kém. Chị Q. mẹ của cháu Đ. xúc động kể: “Khi biết cháu bị tự kỷ vợ chồng tôi bàng hoàng, mặc dù vào điều trị muộn nhưng được sự tận tình kiên trì tập luyện của cán bộ Phòng âm ngữ trị liệu và bố mẹ thay nhau không kể thời tiết nắng nóng, mưa rét hàng ngày đưa cháu vào đây điều trị, nên sau hơn một năm kiên kỳ luyện tập, cháu Đ đã cải thiện nhiều, từ chỗ không nói được từ nào bây giờ đã hát được bài hát, nhận biết được nhiều thứ xung quanh. Cháu cũng đã đi học để hòa nhập với bạn bè, nên gia đình cũng rất vui, với đà như thế này hy vọng cháu sẽ sớm hòa nhập với mọi người xung quanh”.

Thạc sĩ tâm lý Chu Thị Hoài, Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh hướng dẫn trẻ tự kỷ cách phát âm

Tại Phòng âm ngữ trị liệu, Khoa vật lý trị liệu có đến hơn 60% trẻ tự kỷ vào điều trị muộn nên công tác điều trị cũng khó khăn hơn. Nguyên nhân chính là do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, tâm lý của bố mẹ không chấp nhận con mình bị chứng tự kỷ mà cứ nghĩ là bình thường. Theo lời chia sẽ của chị P. Q. Tr. Thạch Bằng, Lộc Hà: “Khi sinh D. ra cũng như bao đứa trẻ khác, D. rất nhanh nhẹn, phát triển thể chất bình thường, nhưng đến gần 2 tuổi D. vẫn chưa biết nói từ nào, 2 tay, 2 chân luôn nghịch phá. Gia đình đã đưa cháu đi ra Hà Nội khám mới biết là cháu bị tự kỷ, bác sĩ khuyên nên ở lại điều trị cho cháu, nhưng lúc đó vợ chồng vẫn chưa chuẩn bị tâm lý nên đưa cháu về nhà. Mãi đến khi cháu gần 3 tuổi vẫn không thay đổi nên gia đình mới đưa cháu lên đây điều trị”.

Kỷ thuật viên Văn Thị Nga, người trực tiếp điều trị cho cháu D. tâm sự: “Cháu D. đưa vào điều trị ở giai đoạn muộn, vì thế việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, do vậy ngoài việc điều trị cho cháu tại đây, chúng tôi đã khuyên gia đình về nhà kiên trì nói chuyện, giao tiếp với cháu. Sau hơn hai tháng điều trị cháu đã có tiến triển, biết nhìn đồ vật, nói theo khoảng 2 đến 3 từ rõ, nhận biết được con vật, đồ vật, biết xin phép, dạ, thưa”.

Kỹ thuật viên của Bệnh viện PHCN kiên trì tập luyện cho các cháu về kỹ năng nhận biết

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, phụ trách Phòng âm ngữ trị liệu, Khoa vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Chứng tự kỷ hay còn được gọi là những “rối loạn phát triển lan tỏa” là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Chứng tự kỷ nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển chức năng tốt hơn và cải thiện được cuộc sống của trẻ. Nếu phát hiện muộn thì các hành vi đã định hình, khả năng phục hồi chậm và khó khăn hơn. Chúng tôi phải dùng nhiều phương pháp về âm ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, các động tác cười, nói, gọi tên, chỉ đồ vật hay chơi trò chơi đều giúp trẻ tăng khả năng phục hồi.

Bác sĩ Hà cho biết thêm: khi thấy trẻ có bất kỳ biểu hiện nào sau đây: trẻ 06 tháng mà không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương; trẻ 09 tháng mà không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt; 12 tháng tuổi nhưng không nói bập bẹ, bi bô, không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: vẫy tay, chỉ chỏ, với đồ chơi, không phản ứng khi người khác gọi tên mình; trẻ 14 tháng tuổi không chỉ vào những đồ vật để chia sẽ hứng thú; đến 16 tháng tuổi nhưng trẻ không nói được từ nào; trẻ 18 tháng nhưng không chơi trò chơi; đến 2 tuổi trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả… thì cha mẹ nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Các y bác sỹ, chuyên viên Bệnh viện PHCN hướng dẫn trẻ tập nhận biết về chữ cái

Để trẻ tự kỷ được hòa nhập sớm, ngoài việc điều trị của các bác sĩ chuyên môn thì cha mẹ nên giành nhiều thời gian để giao tiếp nói chuyện với trẻ, khi cha mẹ gần gũi, nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ quyên và mất dần suy nghĩ ngại ngùng, sợ sệt trong giao tiếp; cho trẻ hòa nhập, chơi đùa cùng các trẻ khác, việc khuyến khích và động viên trẻ giao tiếp sẽ giúp trẻ tương tác với xã hội, vượt qua những rào cản. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ xử lý một hành vi nào đó, thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi trẻ có những biểu hiện tốt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng cho biết: “Hiện tại Phòng âm ngữ trị liệu có 12 cán bộ, trong đó có 03 bác sĩ, 01 thạc sĩ tâm lý, còn lại là cử nhân tâm lý và kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu. Để đồng bộ khu điều trị cho trẻ tự kỷ, sắp tới chúng tôi tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo, phát triển mảng âm nhạc trị liệu, đang xây dựng phòng âm nhạc và khu vui chơi giải trí dành riêng cho nhóm trẻ này”.

Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính số người mắc chứng tự kỷ có thể từ 200.000 đến 500.000 người. Người tự kỷ ngày một gia tăng, để hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ(2/4/2019), tối ngày 2/4 nhiều địa điểm, công trình chiếu sáng tại Việt Nam sẽ đồng loạt thắp đèn xanh vì người tự kỷ. Theo đó, lần đầu tiên tại các vòng quay Sun Wheel tại Sun World Hạ Long; Sun World Danang Wonders tại Đà Nẵng; hệ thống chiếu sáng Cầu Nhật Tân (Hà Nội) và Cầu Bãi Cháy (Hạ Long) sẽ được phủ hoàn toàn bởi ánh sáng xanh lơ, màu đại diện cho nhận biết về hội chứng tự kỷ, nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với người mắc chứng tự kỷ.

Ly Ly


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 381
Tháng 12 : 34.715
Năm 2024 : 2.835.304
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.633.818