Công tác Dân số Hà Tĩnh khởi sắc từ sự nỗ lực, đồng lòng
Năm 2022, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở không ngừng nỗ lực đồng lòng khắc phục khó khăn, triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động hướng tới hai mục tiêu chính là giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà.
Cùng với toàn tỉnh, hơn hai năm qua, công tác dân số tại huyện miền núi biên giới- Hương Sơn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với sự biến động của đội ngũ cán bộ, cơ chế phân cấp quản lý tài chính có sự thay đổi. Nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ làm công tác dân số, Hương Sơn đã trở thành đơn vị nằm tốp đầu về thực hiện tốt công tác dân số ở trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện xuất sắc chỉ tiêu do tỉnh giao. Ông Trần Cẩm Thạch - Phó Trưởng phòng Dân số - Truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn) chia sẻ: “ Năm 2022, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhờ làm tốt công tác tham mưu, UBND huyện đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác dân số. Chúng tôi sớm triển khai đồng bộ các hoạt động như: hoàn thành chỉ tiêu dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ dân số; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh các xã, thị trấn; triển khai các mô hình, đề án... tại 25/25 xã. Vì vậy, toàn huyện đã sớm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch giao: số trẻ được sinh ra tại huyện trong năm 2022 là 1.150 trẻ, giảm 159 trẻ so với năm 2021; số trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên là 382 trẻ, giảm 42 trẻ so với năm 2021, tỷ suất sinh thô giảm 1,5‰ so với năm 2021”.
Cũng là huyện ở vị trí tốp đầu về thực hiện tốt công tác dân số, ngay từ đầu năm, Hương Khê đã chủ động tham mưu địa phương các văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác truyền thông dân số và phát triển trên địa bàn. Đặc biệt là việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình hoạt động. “Hàng năm, việc triển khai chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ là giải pháp để chúng tôi rút ngắn mục tiêu kế hoạch về giảm sinh và tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện các biện pháp tránh thai. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch sớm, chủ động rà soát địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trên hệ thống loa phát thanh thôn xóm và qua mạng lưới cộng tác viên dân số, chiến dịch đã thu hút chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Vì vậy chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai phần lớn đều đạt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, số trẻ sinh ra năm 2022 là 1012 cháu, giảm 174 cháu so với cùng kỳ năm 2021, giảm 1,8 %0 so với cùng kỳ năm 2021; số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên là 248 cháu, giảm 56 cháu so với năm 2021. Tỷ số giới tính khi sinh 105.2 bé trai/100 bé gái, hiện đang nằm ở mức cân bằng tự nhiên”, anh Trần Văn Định - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Khê cho biết.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Quốc Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh, năm 2022, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song bằng sự nỗ lực, công tác dân số tỉnh nhà đạt được những kết quả nhất định. Số trẻ được sinh ra toàn tỉnh là 13.350 cháu, giảm 2.182 cháu so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số cháu được sinh ra là con thứ 3 giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 110,14 bé trai/100 bé gái, giảm 5,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh là 5.892 trẻ, đạt 44,1%, vượt 6,1% chỉ tiêu Bộ Y tế giao năm 2022; số bà mẹ mang thai được siêu âm sàng lọc là 9.946 ca, đạt 74,5% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, vượt 22,5% chỉ tiêu Bộ Y tế giao.
Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng trong tình hình mới, năm 2023 công tác dân số trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Hà Tĩnh vẫn đang là tỉnh có mức sinh cao trong 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao của cả nước, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 ở mức rất cao (34,13%); chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (117,27 bé trai/100 bé gái). Chất lượng dân số tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm như: xuất cư mạnh, chưa có cơ cấu dân số vàng và đã bước sâu vào già hóa. Nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia y tế - dân số bị cắt giảm, chuyển nhiệm vụ chi thành chi thường xuyên của các địa phương. Một số huyện không bố trí kinh phí, hoặc bố trí kinh phí không đủ cho công tác dân số theo Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, gây khó khăn cho các hoạt động dân số.
“Một số địa phương cấp huyện và nhiều đơn vị cấp xã, Trung tâm Y tế cấp huyện, Trạm Y tế cấp xã chưa tham mưu tích cực, có hiệu quả cho Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển trong tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện chính sách dân số, dẫn đến hệ quả là các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách khuyến khích, trách nhiệm tổ chức thực hiện quy phạm pháp luật về dân số quy định, nhất là trong Nghị quyết 221 đã không được quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhất”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Để cùng nhịp với chính sách dân số cả nước, thời gian tới công tác dân số của Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa các nội dung chủ yếu: Tập trung học tập, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 21- NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chương trình hành động số 955 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 21; Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030 đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Kiện toàn bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tập trung nội dung tuyên truyền chính sách dân số và phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tích cực. Đây là những giải pháp hữu hiệu góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành dân số, qua đó, giúp ngành thực hiện tốt 2 nhiệm vụ ổn định mức sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Ngân Khánh