Cách xoa bóp 5 huyệt vị giúp kiểm soát tăng huyết áp
Nếu bạn biết mình bị tăng huyết áp, ngoài việc duy trì thói quen đo huyết áp định kỳ, uống thuốc và cải thiện chế độ ăn uống, vận động... việc xoa bóp 5 huyệt đạo dưới đây cũng có thể giúp kiểm soát huyết áp.
Những năm gần đây, tăng huyết áp không chỉ còn là vấn đề của người trung niên và người già mà ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen ngủ muộn, ăn đồ ăn nhanh, ăn mặn, ăn nhiều đồ chiên nướng và thiếu nhận thức về tăng huyết áp, đang trở thành nhóm đối tượng có tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng cao.
Ngược lại, nếu có thể giữ một thói quen sinh hoạt lành mạnh, những thói quen tốt lại chính là yếu tố thuận lợi giúp phòng và kiểm soát vấn đề tăng huyết áp.
Để kiểm soát huyết áp, người bệnh có thể tự xoa bóp 5 huyệt vị dưới đây trên cơ thể hàng ngày:
1. Huyệt bách hội hỗ trợ trị tăng huyết áp
- Vị trí: Chính giữa đỉnh đầu. Lấy từ điểm giữa đường nối hai lông mày lên 1 thốn làm một phía, từ đó qua giữa đầu, sang mép tóc sau gáy, điểm giữa đường này là huyệt
- Tác dụng: Bách hội là nơi hội tụ của các mạch, có thể điều chỉnh kinh mạch toàn thân. Massage (xoa bóp) huyệt bách hội giúp thông suốt hai mạch nhâm và đốc, làm cho khí huyết được điều động nhanh chóng, cung cấp máu cho đầu nhiều hơn, giảm áp lực máu động mạch lên trên, từ đó huyết áp tự nhiên giảm xuống.
Đây cũng là huyệt vị khi massage có thể giúp giảm một số triệu chứng khó chịu của tăng huyết áp như đau đầu, chóng mặt.
Xoa bóp huyệt bách hội giúp hỗ trợ trị tăng huyết áp.
2. Huyệt phong trì
- Vị trí: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
- Tác dụng: Phong trì là một huyệt trên kinh đởm, có tác dụng điều hòa kinh khí của kinh can, đởm. Theo Đông y, tăng huyết áp có các nguyên nhân như can hỏa vượng, can dương thượng cang... Chính vì vậy massage huyệt phong trì giúp hạ huyết áp.
Bên cạnh đó, huyệt này cũng giúp thư giãn vùng cổ gáy, giúp khí huyết đưa lên vùng đầu não thuận lợi hơn, giúp hạ huyết áp, giảm các triệu chứng khó chịu của tăng huyết áp.
3. Huyệt khúc trì
- Vị trí: Ở phần cuối của nếp gấp khuỷu tay, để khuỷu tay gập lại, phần hõm ở đầu bên ngoài của đường gấp khúc khuỷu tay chính là vị trí huyệt.
- Tác dụng: Theo Ngũ du huyệt, huyệt khúc trì là huyệt hợp thuộc kinh dương minh đại trường, là huyệt bao quạt toàn bộ khí huyệt của kinh dương minh. Theo Đông y kinh dương minh lại là kinh đa khí đa huyết, huyệt hợp lại có tác dụng chủ nghịch khí mà tiết bớt đi.
Chính vì vậy, massage huyệt khúc trì đem lại hiệu quả liễm nạp khí huyết của kinh dương minh, từ đó giúp bình hòa được thế cang thịnh của can dương, làm yên được hỏa tà thượng nghịch, từ đó làm hạ huyết áp.
4. Huyệt dũng tuyền
- Vị trí: Ở lòng bàn chân, vị trí một phần ba trước của lòng bàn chân.
- Tác dụng: Huyệt dũng tuyền theo Đông y là huyệt quan trọng trong việc dưỡng sinh và chữa bệnh. Massage huyệt này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và dịch bạch huyết trong cơ thể, điều chỉnh quá trình trao đổi chất, ổn định huyết áp.
Huyệt dũng tuyền có khả năng giáng hạ hỏa nhiệt thượng nghịch. Đây là huyệt vị sử dụng phù hợp với những người bệnh tăng huyết áp do can thận âm hư, thủy suy không phối hợp được với hỏa khiến hỏa thăng phát mà gây bệnh.
Huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân.
5. Huyệt thái xung
- Vị trí: Ở mu bàn chân, bắt đầu từ kẽ ngón chân cái và ngón trỏ, lên khoảng ba ngón tay.
- Tác dụng: Huyệt này là một trong những huyệt vị quan trọng trong điều trị tăng huyết áp, nhiều nghiên cứu y học hiện đại cũng chứng minh tác dụng hạ áp của huyệt vị này. Theo Đông y, huyệt thái xung có thể bình can, giải uất, từ đó đạt được hiệu quả giảm huyết áp, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Vị trí huyệt thái xung ở mu bàn chân.
Tuy không thể thay thế hoàn toàn cho việc điều trị y tế, việc tự massage, day bấm 5 vị trí huyệt trên hằng ngày sẽ đem lại hiệu quả hỗ trợ điều trị đáng kể đối với bệnh nhân tăng huyết áp, vừa giúp hỗ trợ ổn định huyết áp, vừa giúp giảm các triệu chứng khó chịu do tăng huyết áp mang đến.