Ảnh hưởng của thuốc lá tới răng miệng
Thuốc lá là một chất gây nghiện ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể con người, trong đó có các bệnh về răng, miệng. Với người hút thuốc lá thường xuyên sẽ có nguy cơ cao dẫn tới ung thư niêm mạc miệng và có thể tử vong. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chủ quan, không quan tâm đến sức khỏe của bản thân.
Bệnh nhân N.T. X, (huyện Can Lộc) vào điều trị tại Khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng niêm mạc miệng bị phù, hàm răng chuyển màu vàng sẫm, viêm răng mãn tính. Qua quá trình điều trị, bệnh đỡ hơn, nhưng vẫn tái đi tái lại nhiều lần, bệnh ngày càng nặng hơn. “Tôi hút thuốc hơn 10 năm rồi, ban đầu hút ít, nhưng sau nghiện, mỗi ngày phải hút vài gói. Vừa hút thuốc lá, vừa hút thuốc lào. Từ khi bị bệnh tôi có hạn chế hút, nhưng khi bệnh lành tôi lại hút nhiều. Nay bệnh nặng hơn, khó chữa nên tôi hối hận lắm”, anh N.T. X bộc bạch.
Còn với ông T.N.C (huyện Lộc Hà) có thâm niên hút thuốc lá và nghiện rượu hơn chín năm. Không những cả hàm răng của ông bị ố vàng, mà nhiều răng đã bị mất, bị lung lay, ảnh hưởng đến chức năng nhai. Ông C. thổ lộ: “Tôi đi khám răng thấy bác sỹ khuyên về bỏ thuốc lá, tôi cũng đã quyết tâm bỏ, nhưng không thể bỏ được, vì thấy người khác hút là thèm nên tôi hút lại. Hiện nay, răng đã bị rụng nhiều, mỗi lần nhai rất khó khăn”.
Những người hút thuốc lá, trước hết làm ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và giao tiếp. Vì khói thuốc lá bám lên răng, làm đổi màu răng, đổi màu hàm giả và các chất trám răng. Những người hút thuốc dễ bám cao răng hơn người không hút, cao răng bám nhiều mặt ngoài của răng làm giảm thẩm mỹ nghiêm trọng.
Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Hồng Lâm, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trong số nam giới từ 18 tuổi trở lên vào điều trị tại khoa răng hàm mặt, thì có đến 70% là có sử dụng thuốc lá hoặc thuốc lào. Những người hút thuốc lá, thuốc lào làm giảm tốc độ lưu chuyển máu trong mao mạch ngoại vi, làm chậm hình thành cục máu đông sau khi nhổ răng, làm giảm chức năng của bạch cầu, nên bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Đối với những người phụ nữ hút thuốc trong lúc mang thai, có nguy cơ sinh con bị dị tật môi và vòm miệng cao cấp 2 lần so với bình thường”.
Thời gian hút thuốc lá kéo dài và hút nhiều có thể dẫn tới ung thư niêm mạc miệng, vì khói thuốc lá có khả năng kích thích các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, sàn miệng và các vị trí khác ở miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư, rồi tiến triển thành ung thư biểu mô. Những người suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu vitamin A, D, E mà hút thuốc lá càng có nguy cơ bị ung thư miệng. Những người vừa hút thuốc vừa nghiện rượu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì các chất cồn làm tăng tính thấm của biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa.
“Đối với bệnh viêm quanh răng (bệnh nha chu) thì thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn, có nhiều mảng bám răng và cao răng ở cả trên và dưới lợi. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng. Vị giác và xúc giác của người hút thuốc cũng bị thay đổi bởi khói và các chất hóa học có trong thuốc lá, mức ảnh hưởng càng tăng nếu dùng thuốc lá càng nhiều”, bác sỹ CKI Nguyễn Thị Hồng Lâm, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết thêm.
Hút thuốc lá, thuốc lào không những làm tăng nguy cơ gây bệnh mà còn làm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng chậm lại. Vì thế, để bảo vệ hàm răng chắc khỏe, phòng tránh được các bệnh về răng, miệng thì không nên hút thuốc lá, thuốc lào. Đặc biệt với những người hút thuốc lá, thuốc lào thì hãy từ bỏ nó, không những bảo vệ răng miệng mà còn bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Thanh Loan