• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

"Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh Lao"

“Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh Lao” là chủ đề truyền thông của ngày Thế giới chống lao 24/3/2018 nhằm kêu gọi chính quyền các cấp, các ngành hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao, bằng các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh Lao, nhằm hạn chế sự kỳ thị với bệnh Lao; tăng cường

“Lãnh đạo cam kết hành động vì một Việt Nam không còn bệnh Lao” là chủ đề truyền thông của ngày Thế giới chống lao 24/3/2018 nhằm kêu gọi chính quyền các cấp, các ngành hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao, bằng các biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh Lao, nhằm hạn chế sự kỳ thị với bệnh Lao; tăng cường công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc và lao/HIV.

Cán bộ y tế tỉnh, huyện, xã hướng dẫn cho bệnh nhân lao tuân thủ điều trị thuốc tại cộng đồng

Hiện tại, mạng lưới phòng chống lao (PCL) trên toàn tỉnh tương đối đầy đủ, ở tuyến tỉnh Phòng Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phổi là đơn vị thường trực quản lý, tham mưu chỉ đạo hoạt động CTCLQG trên địa bàn tỉnh; tuyến huyện có 12 Tổ chống lao thuộc các Bệnh viện đa khoa huyện, mỗi Tổ chống lao có 03 người, trong đó có 01 bác sĩ. Đồng thời có 01 Tổ chống lao tại Trại giam Xuân Hà. Tại mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm quản lý hoạt động PCL trên địa bàn. Thời gian qua, nhờ có sự thống nhất cao trong công tác điều hành chỉ đạo của Chương trình chống lao Quốc gia và Chương trình chống lao tỉnh, sự nỗ lực của tập thể cán bộ làm công tác phòng chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở, các hoạt động của chương trình chống lao được triển khai khá đồng bộ có hiệu quả từ công tác phát hiện, chẩn đoán, theo dõi, quản lý điều trị bệnh nhân tại cộng đồng đến các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông... Các qui trình chuyên môn trong phát hiện, chẩn đoán điều trị bệnh lao được áp dụng và thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh, 100% các huyện, xã thực hiện chiến lược DOTS (Điều trị lao ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp). Vì thế, tình hình mắc bệnh lao ở Hà Tĩnh những năm gần đây có xu hướng giảm dần.Thời gian qua, mỗi năm phát hiện gần 1.000 bệnh nhân lao các thể nhưng năm 2017 chỉ phát hiện 784 bệnh nhân lao các thể, tỷ lệ phát hiện lao các thể trên 100.000 dân là 60,5/100.000 dân, trong đó có 319 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, chiếm 40,7%; tỷ lệ phát hiện lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học là 24,6/100.000 dân; tỷ lệ lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học là 44,6%, lao ngoài phổi là 14,7%. Tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân lao là trên 95%.

Bác sĩ bệnh viên Phổi Hà Tĩnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện

Để hoạt động phòng chống lao có hiệu quả, Bệnh viện Phổi đã có nhiều giải pháp như đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư thêm về trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Trước đây, bệnh nhân nghi lao kháng thuốc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương xét nghiệm và điều trị nhưng từ tháng 12 năm 2015 Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã triển khai thành công kỹ thuật Gene - Xpert cho kết quả sau khoảng 2 giờ với độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhằm chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Từ đó đến nay bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm được 1.130 mẫu đờm bằng kỹ thuật Gene - Xpert và người bệnh được miễn phí hoàn toàn. Từ khi triển khai điều trị lao kháng thuốc tháng 12/2015 đến 15/3/2018,  Hà Tĩnh đã phát hiện và thu dung điều trị 62 bệnh nhân lao kháng thuốc. Tỷ lệ điều trị khỏi của lô bệnh nhân đăng ký điều trị Quý 4/2015 (đánh giá trên 3 bệnh nhân) đạt 100%. Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, đơn vị trang bị mới 01 máy xét nghiệm sinh hóa, 01 máy xét nghiệm huyết học tự động và nâng cấp máy X-quang thường quy lên máy X-quang kỹ thuật số; được CTCLQG cấp 01 máy X-quang kĩ thuật số di động và 01 máy xét nghiệm Gene-Xpert… Ngoài ra, sau khi thực hiện Thông tư 04/2016/TT-BYT ngày 26/02/2016 của Bộ Y tế Quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao, trong đó người tham gia BHYT mắc bệnh lao, lao kháng thuốc, nghi mắc lao, lao tiềm ẩn được chuyển tuyến từ Trạm Y tế xã lên Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị.

Xét nghiệm đờm bằng phương pháp soi trực tiếp tìm vi khuẩn lao tại Bệnh viện ĐK huyện Hương Sơn

Những kết quả mà Chương trình chống lao Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua là rất tích cực, tuy nhiên công tác phòng chống lao vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như: cán bộ Tổ chống lao tại các Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố chủ yếu là kiêm nhiệm; chất lượng quản lý điều trị bệnh nhân lao chưa cao, việc tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao tới các nhóm đối tượng đặc biệt, vùng sâu, vùng xa vẫn là những thách thức lớn; hoạt động phối hợp công tư hiệu quả còn thấp, một số cơ sở y tế tư nhân chưa thực sự tham gia phối hợp trong việc kê đơn thuốc gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh lao. Một số trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác phòng, chống lao còn thiếu như: Máy nội soi phế quản ống mềm; xe ô tô chở hệ thống X-quang kỹ thuật số di động để khám phát hiện chủ động bệnh lao. Tại đa số các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Tủ an toàn sinh học và Hold vô trùng đã hư hỏng, xuống cấp và chưa được sữa chữa. Bên cạnh đó, thực trạng lao/HIV, lao kết hợp với bệnh mãn tính khác, lao kháng thuốc có chiều hướng gia tăng; sự kỳ thị về bệnh lao trong xã hội cũng là rào cản cho hoạt động phòng chống lao...

Bệnh viện đã triển khai nhiều thiết bị hiện đại trong xét nghiệm phát hiện sớm bệnh Lao

Để duy trì và phát huy thành quả đạt được, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm đẩy nhanh tiến trình cắt giảm nguồn lây một cách bền vững, công tác phòng chống lao tỉnh nhà cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng tầm của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội. Có như vậy chúng ta mới hy vọng thực hiện thành công thanh toán bệnh lao đến năm 2030, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao sức khỏe cho nhân dân./.

Lưu Hương - Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.849
Tháng 07 : 24.046
Năm 2024 : 1.163.353
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.961.867