Sớm khắc phục cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế sau mưa, lũ
Sau mưa, lũ một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thuộc Ngành Y tế Hà Tĩnh đã bị nước ngập sâu, khiến cho cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế bị hư hỏng nặng nề, ảnh hưởng đến tiến độ, công tác KCB cho người dân. Mặc dù ngành Y tế đã có nhiều biện pháp khắc phục, song vấn đề này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Do ảnh hưởng của mưa, lũ, ngành Y tế có 46 cơ sở y tế bị ngập, trong đó 01 bệnh viện, 01 trung tâm y tế và 44 trạm y tế. Đến nay, hầu hết các cơ sở đã xử lý xong vệ sinh môi trường, nguồn nước, phun hóa chất tiêu độc khử trùng và đã đi vào hoạt động, tiếp nhận bệnh nhân đến KCB.Tuy nhiên, do một số cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hỏng, nên đã ảnh hưởng đến công tác KCB”.
Thống kê toàn ngành có 60 bộ máy tính, 60 bộ máy in, 50 bộ bàn ghế, 10 tủ lạnh, 10 tủ sấy, 02 bộ hệ thống phát điện; 01 thống máy chủ, 01 hệ thống lò đốt rác; 03 hệ thống máy chụp Xquang, 02 máy giặt công nghiệp, 15 máy lọc nước, 04 hệ thống hấp sấy, 03 ô tô cứu thương… bị ngập lụt, hư hỏng nặng. Ước tính tổng thiệt hại gần 25 tỷ đồng.
Trong đợt mưa, lũ này Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên bị thiệt hại nặng nhất. Bác sỹ Phan Thanh Minh nhớ lại: “Khoảng 18h tối ngày 19/10 mưa to và Hồ Kẻ Gỗ xả tràn nên nước dâng lên nhanh. Nền đất bệnh viện lại thấp hơn so với mặt đường quốc lộ, nên đã gây ngập lụt gần hết tầng 1 của bệnh viện. Đây là cơn lũ lịch sử, hơn 30 năm làm việc tại đây, lần đầu tiên tôi gặp tình huống này”.
Mặc dù được ban giám đốc bệnh viện triển khai huy động mọi nhân lực ngay trong đêm, di chuyển tất cả bệnh nhân lên tầng 2 và kê máy, trang thiết bị y tế. Nhưng do mực nước dâng nhanh lại vào ban đêm và ngày nghỉ cuối tuần, các tuyến đường bị chia cắt nên rất khó khăn để vận chuyển trang thiết bị, đồ dùng y tế.
Một số trang thiết bị, vật tư y tế tại tầng một bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên bị hư, hỏng nặng: 03 hệ thống máy chụp Xquang; hệ thống xử lý chất thải lỏng; phần cứng mạng Lan nội bộ bệnh viện; 03 xe ô tô cứu thương; hệ thống máy chủ; 15 máy lọc nước cho bệnh nhân; 03 máy giặt công nghiệp; 04 hệ thống máy hấp, sấy đồ vả; 05 kho thuốc hóa chất; 20 bộ máy tính để bàn và nhiều đồ dùng, vật tư y tế khác.
Ngay sau khi nước rút, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong và ngoài huyện. Đặc biệt là ngành y tế đã cử các Tổ cơ động, đoàn thanh niên; Bệnh viện Bạch Mai cử 02 kỷ sư vào hỗ trợ bệnh viện khắc phục hậu quả sau lũ lụt.
Bác sỹ Phan Thanh Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết thêm: “Bệnh viện rất cảm kích sự quan tâm của chính quyền, ngành y tế. Đặc biệt, 02 kỹ sư của Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc cả ngày, đêm giúp bệnh viện khắc phục hậu quả, nhanh chóng đi vào hoạt động, thu dung, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng chưa khắc phục được, nhiều đồ dùng, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân còn thiếu. Nhưng để mua sắm thì rất khó khăn, mất nhiều thời gian do luật đấu thầu. Do vậy, bệnh viện rất cần sự giúp đỡ để sớm tháo gỡ khó khăn này”.
Trong đợt mưa, lũ này có 44 trạm y tế bị ngập lụt, trong đó có 05 trạm y tế bị ngập lụt cả 02 đợt, có nhiều trạm y tế ngập sâu hơn 2m. Bác sỹ Nguyễn Xuân Kháng, phụ trách Trung tâm Y tế thành phố chia sẻ: “Thành phố bị ngập 10 trạm y tế, trong đó có 02 trạm y tế bị ngập cả 2 đợt. Do vậy, một số vật tư, trang thiết bị y tế hư hỏng như: hệ thống máy vi tính 04 bộ, 04 tủ lạnh, máy phát điện máy đo huyết áp và hàng trăm bơm kim tiêm, khẩu trang y tế… Công tác KCB đều cập nhật qua phần mềm, do vậy rất cần sự hỗ trợ kịp thời để các cơ sở y tế có điều kiện để hoạt động”.
Huyện Cẩm Xuyên có 13 trạm y tế bị ngập lụt, thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất và trang thiết bị, vật tư y tế. Trong đó có 08 máy siêu âm bị hư hỏng nặng, Theo bác sỹ Trần Huy Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên: để khám chữa bệnh cho người dân được hiệu quả thì cần hỗ trợ kịp thời trang thiết bị, nhất là hệ thống máy siêu âm cho các trạm y tế.
Tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Trước tình trạng hư hỏng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế do ngập lụt. Để đảm bảo hiệu quả công tác KCB cho nhân dân, Sở y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế soát xét lại các trang thiết bị hư hỏng do ngập lụt, nếu hư hỏng ít thì tạm thời sửa chữa để dùng. Đồng thời, Sở cũng đã kiến nghị lên cấp trên, đặc biệt là UBND tỉnh để có phương án khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề quan trọng nhất là khó khăn trong mua sắm đấu thầu tập trung, dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, trong khi đó các đơn vị rất cần trang thiết bị y tế để phục vụ công tác KCB cho nhân dân. Vậy mong muốn các cấp, các ngành giúp đỡ để các cơ sở sớm khắc phục những khó khăn, đáp ứng nhu cầu KCB cho nhân dân./.
Thanh Loan