Nhận biết và xử trí sốt xuất huyết tại nhà
Gần như năm nào bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng xuất hiện ở nước ta, nhất là từ tháng 5 đến tháng 11.
Gần như năm nào bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng xuất hiện ở nước ta, nhất là từ tháng 5 đến tháng 11. Ngoài lý do chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, còn do người dân còn chủ quan hoặc chưa hiểu nhiều về bệnh SXH.
Bệnh SXH có đặc điểm gì?
Thứ nhất, virut Đen-gơ (Dengue) là tác nhân gây nên bệnh SXH. Bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều nhất là vào các tháng mùa mưa (từ tháng 5 cho đến tháng 11 trong năm).
Thứ hai, vai trò làm lây lan bệnh SXH là muỗi. Có hai loại muỗi truyền bệnh SXH là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc điểm của loài muỗi vằn, sống chủ yếu ở thành thị, còn muỗi hổ châu Á gặp chủ yếu ở nông thôn và miền rừng núi. Tuy vậy, do đặc điểm của nước ta trong quá trình đang đô thị hóa nhanh cho nên khó phân biệt ranh giới giữa thành thị và nông thôn. Chúng đều sinh sản, phát triển ở nơi ao tù nước đọng, chum vại, lu, lọ hoa, lốp xe hỏng, vỏ dừa đựng nước sạch hoặc nước mưa. Vì vậy, các loại muỗi này đều có mặt cả ở nông thôn và cả ở thành thị, cùng mang mầm bệnh virut Đen-gơ gây bệnh SXH truyền bệnh cho người. Hai loại muỗi này hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhất là sáng sớm và chiều tối, chúng hoạt động cả trong nhà và cả ngoài trời. Và con đẻ của hai loại muỗi này là bọ gậy (loăng quăng).
Thứ ba, đối tượng để chúng ta hướng đến tiêu diệt nhằm phòng và chống bệnh SXH có hiệu quả nhất là muỗi và bọ gậy, chứ không phải mục tiêu là diệt virut Đen-gơ.
Thứ tư, ngoài việc diệt muỗi và bọ gậy, việc phòng bệnh còn phải tránh muỗi đốt.
Thứ năm, cần nhận biết sớm như thế nào là bệnh SXH để theo dõi, chăm sóc người mắc bệnh thể nhẹ tại gia đình cho có hiệu quả, tránh xảy ra sốc nguy hiểm cho tính mạng người bệnh và đồng thời cả người bệnh và người lành đều phải tránh để muỗi đốt làm lây lan mầm bệnh.
Nhận biết và xử trí tại gia đình với bệnh SXH như thế nào?
Thứ nhất, cần lưu ý, nếu một người đang ở trong vùng có dịch SXH hoặc từ vùng dịch về, thấy sốt cao đột ngột, đau mỏi cơ khớp, kèm theo da sung huyết, phát ban hoặc có kèm thêm chảy máu cam, chảy máu chân răng, nên nghĩ đến bị mắc bệnh SXH. Đối với trẻ em, nếu vừa có các triệu chứng nêu trên, kèm theo đau bụng càng phải hết sức chú ý đề phòng SXH bị sốc.
Thứ hai, khi đã có dấu hiệu sốc xảy ra đặc biệt là trẻ em, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thứ ba, khi nghi là SXH nhưng chưa kịp đưa người bệnh đi khám được (vì một lý do nào đó), cần làm giảm thân nhiệt bằng cách lau mát, đặc biệt là trẻ nhỏ, ở các vùng có động mạch lớn đi qua như trán, nách, bẹn (không được chườm lạnh, nước đá). Nếu đã lau mát nhiều lần, liên tục mà thân nhiệt không thuyên giảm, vẫn trên 38 độ, có thể dùng thuốc paracetamol uống (cần dùng loại đơn chất), liều lượng trung bình 10mg/kg cân nặng, cứ mỗi 6 giờ cho uống một lần nếu thân nhiệt chưa giảm. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin hoặc biệt dược có chứa aspirin, bởi vì, loại thuốc này sẽ làm cho bệnh nhân chảy máu nặng thêm có thể đưa đến tử vong. Lý do là khi đã bị xuất huyết mà dùng thuốc aspirin, càng làm cho rối loạn đông máu tăng lên dẫn đến máu khó đông, gây ra chảy máu nặng kéo dài và không cầm được.
Thứ tư, khi bị SXH sẽ làm mất nước, chất điện giải do sốt và thoát huyết tương cho nên rất cần được bù đắp sự thiếu hụt đó, bằng cách uống dung dịch oresol (ORS) hoặc nước gạo rang, nước ép hoa quả, sữa. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng thời gian và số lần cho bú.
Cần lưu ý rằng, đối với trẻ em khi nghi ngờ bị SXH phải theo dõi chặt chẽ và rất cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.
Ngăn chặn thế nào?
Để đạt được mục tiêu tiêu diệt muỗi và bọ gậy có hiệu quả cao nhất cần có chiến dịch tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh SXH và các biện pháp phòng chống, đặc biệt ở những địa phương đang có dịch SXH bằng mọi hình thức có thể (loa, đài phát thanh phường, xã, tờ rơi, họp tổ dân phố, thôn, xóm, các đoàn thể). Y tế địa phương là đơn vị chủ trì nhưng làm thế nào để các ban, ngành tham gia tích cực mới hy vọng đạt kết quả cao nhất.
Cần phổ biến cho toàn dân biết các biện pháp diệt muỗi bằng mọi biện pháp từ dân gian cho đến dùng các loại hóa chất như phun thuốc diệt muỗi, dùng hương muỗi để tiêu diệt hoặc xua đuổi muỗi... Cần thay nước ở các lọ hoa hàng ngày, cần phải đậy các chum vại, lu, bể chứa nước thật kín để muỗi không vào đẻ trứng. Các bể chứa nước dùng trong sinh hoạt có thể thả các loại cá có khả năng ăn bọ gậy như cá chọi, cá vàng, cá rô. Cần khơi thông cống rãnh xung quanh nhà ở, ngõ xóm để diệt bọ gậy và loại bỏ chỗ để muỗi đẻ trứng. Để ngăn chặn không cho muỗi đốt cần phải nằm màn một cách tuyệt đối ngay cả khi nằm nghỉ hoặc ngủ ban ngày (cả người lớn và trẻ em). Ở địa phương đang có dịch SXH, buổi chiều tối nên xua muỗi bằng hương muỗi để về đêm hạn chế muỗi. Học sinh, mỗi buổi tối lúc học bài hoặc người lớn ngồi làm việc, cần mặc quần dài, đi tất.
Theo: Báo SKĐS