Bỏng: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh
Bỏng là một cấp cứu thường gặp trong cuộc sống đời thường. Theo thống kê, đến 80% tổng số bệnh nhân là bỏng nông trên diện hẹp, chiếm dưới 20% diện tích da của cơ thể.
1. Nguyên nhân gây bỏng
Tác nhân gây bỏng có 4 loại chính là sức nóng, luồng điện, hóa chất và các tia bức xạ.
- Bỏng do nhiệt:
Thường gặp nhất, khoảng 90% các tổn thương bỏng, đại đa số là bỏng do nhiệt độ cao, gồm 2 nhóm:
+ Bỏng do nhiệt độ cao: Bỏng do sức nhiệt khô: bỏng do lửa cháy nhiệt độ cao như củi gỗ cháy, xăng cháy, hóa chất cháy (NH4NO3, C2H2,..); bỏng do tia lửa điện (3.200- 4.800 độ C); bỏng do vật nóng như kim loại nóng chảy (1.800 - 2.000 độ C); bỏng do các chất nóng dính như nhựa đường nóng chảy... thường gây bỏng sâu và nặng.
+ Bỏng do sức nhiệt ướt: Nhiệt độ gây bỏng thường không cao, có thể do nước sôi, thức ăn nóng sôi, dầu mỡ sôi, hơi nước từ nồi áp suất.
Cơ chế bỏng của sức nhiệt khi tế bào bị nóng do nhiệt sẽ xuất hiện các tổn thương tùy thuộc nhiệt độ và thời gian tiếp xúc.
- Bỏng do luồng điện:
Mức độ tổn thương bỏng tùy thuộc vào điện thế, điểm vào và điểm ra của luồng điện, thời gian bị, khu vực cơ thể chịu ảnh hưởng của luồng điện.
Tổn thương tại chỗ thường sâu tới gân cơ, xương khớp, mạch máu, thần kinh..
Tỉ lệ bệnh nhân tử vong khá cao. Bỏng do điện có 3 cơ chế: bỏng do luồng điện, bỏng do tia lửa điện, bỏng vừa do luồng điện vừa do tia lửa điện.
- Bỏng do hóa chất:
Bao gồm các chất oxy hóa, chất khử oxy, chất ăn mòn, chất gây độc cho nguyên sinh chất, chất làm khô, chất làm rộp da, các chất kiềm mạnh.
Mức độ tổn thương bỏng phụ thuộc loại hóa chất, nồng độ và thời gian tiếp xúc của hóa chất đó trên da và niêm mạc. Bỏng do axít thường có độ rộng giới hạn, nhưng tổn thương sâu. Bỏng kiềm thường sâu, tiếp tục tiến triển, và trầm trọng hơn bỏng axít.
- Bỏng do bức xạ:
Bỏng do tia hồng ngoại.
Bỏng do tia Rôngen, tia laser.
Bỏng do tia gamma, hạt cơ bản bêta.
Bỏng do nắng mặt trời cũng là loại bỏng do bức xạ ánh sáng.
Cơ chế gây bỏng: do nhiệt lượng của tia xạ, do phản ứng quang hóa học, làm khô gây bốc hơi nước, do ion hóa gây bức xạ xuyên.
2. Dấu hiệu và các mức độ của bỏng
Các triệu chứng bỏng gồm:
Theo độ nông sâu
- Bỏng nông: Là bỏng nhẹ, dễ khỏi và khi khỏi không để lại sẹo.
- Bỏng sâu: Là loại bỏng nặng và rất nặng, tác nhân gây bỏng phá hủy lớp tế bào đáy, để lại sẹo dúm dó, đa số cần phải lại vá da.
- Bỏng trung gian: Là loại bỏng nằm giữa giới hạn bỏng nông và bỏng sâu. Bỏng lan tới một phần của lớp tế bào đáy (lớp nông, phần uốn lượn lên xuống). Bỏng loại này tiến triển tốt, nhưng cũng có thể nặng lên và thành bỏng sâu. Bỏng trung gian thường gặp bỏng nước sôi chỗ có quần áo…
Ngoài ra còn phân loại bỏng theo:
- Bỏng độ 1: Là bỏng ở lớp sừng. Chỗ da bị bỏng đỏ, rát, 2 – 3 ngày thì khỏi và không để lại sẹo. Bỏng độ 1 hay gặp là bỏng nắng, bỏng nước sôi chỗ không có quần áo.
- Bỏng độ 2: Thương tổn lớp biểu bì. Trên nền da đỏ, xuất hiện những nốt phỏng nước chứa dịch trong. Vì chưa tới lớp tế bào đáy nên khi khỏi không để lại sẹo, khỏi sau 10 – 14 ngày. Bỏng độ 2 hay gặp là bỏng nước sôi chỗ có quần áo…
- Bỏng độ 3: Lớp tế bào đáy bị phá huỷ, bỏng ăn lan tới trung bì, gây hoại tử da diện rộng. Vì mất lớp tế bào sinh sản, da không được bảo vệ, nên bỏng loại này hầu hết bị nhiễm khuẩn. Bỏng độ 3 thường gặp bỏng do xăng, acid, bỏng điện…
- Bỏng độ 4: Tác nhân gây bỏng phá hủy hết da, bỏng ăn tới tận cơ, xương, cả một vùng của chi bị cháy đen. Thường gặp do điện cao thế, sét đánh, cháy nhà (trong các thảm họa cháy nhà cao tầng), cháy ô tô khách…
Cần phân ra hai loại: bỏng nhẹ (có thể điều trị ngoại trú) và bỏng cần nhập viện, để kịp quyết định hướng xử trí tiếp. Người thầy thuốc đầu tiên khám cho bệnh nhân bỏng thường dễ đánh giá độ sâu của bỏng.
Chỉ định điều trị nội trú: áp dụng công thức 5-10-20 của Hiệp hội Bỏng Hoa kỳ:
Diện tích bỏng > 20%.
Diện tích bỏng > 10% đối với bệnh nhân già hoặc trẻ em.
Diện tích bỏng sâu > 5%.
Ngoài ra, bắt buộc nhập viện không cần tính đến diện tích bỏng đối với các trường hợp sau:
Bỏng bàn tay, bàn chân, mặt, tầng sinh môn.
Bỏng mắt hoặc tai.
Nghi ngờ tổn thương do hít.
Bỏng điện và bỏng hóa chất.
Bệnh nhân suy kiệt.
Bệnh nhân có tổn thương khác kèm theo.
3. Bỏng có lây không?
Bỏng là một tai nạn thường gặp không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.
4. Đề phòng bỏng
Bỏng là một trong những tai nạn thương tích thường gặp, dù nặng hay nhẹ đều để lại di chứng. Mọi người có thể chủ động phòng ngừa bỏng theo những cách sau:
Dùng kem chống nắng mỗi khi đi ra ngoài.
Điều chỉnh máy nước nóng trong nhà phù hợp với nhiệt độ.
Trang bị dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất.
Không để trẻ em, người lớn tuổi gần các vật có thể gây bỏng.
Trang bị bình chữa cháy tại nhà, cơ quan, trường học…
Che chắn các ổ cắm điện.
Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi uống, tắm hoặc rửa tay…
Loại bỏ những thiết bị điện hư hỏng.
Thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ở, trường học, văn phòng,… để kịp thời thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
5. Cách điều trị bỏng
Điều trị bỏng phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Bỏng nhẹ có thể điều trị tại nhà. Với các vết bỏng sâu, nghiêm trọng, sau khi sơ cứu ban đầu, người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với bỏng nhẹ để cho lành tự nhiên; nhưng cũng cần được điều trị và theo dõi một cách hợp lý.
Đối với bỏng da sâu tuy còn khả năng tự lành, nhưng hay để lại những sẹo lớn; nhất là đối với trẻ em và người trẻ tuổi. Bởi thế, nếu có điều kiện và tổn thương ở những vùng quan trọng về mặt chức năng và thẩm mỹ, có thể áp dụng phương pháp hớt bỏ những phần hoại tử và việc đóng kín vết thương ngay bằng ghép da.
Những trường hợp không mổ, hoặc trên bề mặt vết bỏng lớn có nhiều độ nông - sâu khác nhau hoặc bệnh nhân già yếu hay có bệnh đi kèm, thì cần được điều trị bằng thuốc mỡ kháng khuẩn. Những bệnh nhân này sẽ được thay băng, làm sạch vết thương hàng ngày bằng vòi nước vô trùng, lấy đi những chất cặn bã của thuốc mỡ, của dịch xuất tiết và những phần da hoại tử đã bong ra. Sau đó được bôi một lớp thuốc có kháng sinh thích hợp.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm… nhằm tránh biến chứng.
Với những vết bỏng ở độ sâu hơn nữa tổn thương tới tận lớp cơ, mạch máu, thần kinh, xương khớp…, thì tùy từ trường hợp cụ thể các thầy thuốc sẽ phải cân nhắc để đưa ra những giải pháp điều trị thích hợp (chuyển vạt da hoặc vạt da + cân cơ tại chỗ; chuyển vạt da và tổ chức với cuống mạch máu từ nơi khác đến bằng vi phẫu; hoặc phải cắt đoạn chi…).