• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghiên cứu thành công vắc-xin phòng ho gà cho phụ nữ có thai

Công trình nghiên cứu “Vắc-xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên" đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy sự an toàn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ.

Nghiên cứu thành công vắc-xin phòng ho gà cho phụ nữ có thai

Công trình nghiên cứu “Vắc-xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên" đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy sự an toàn, giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ.

Kết quả của đề tài góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài. Công trình được đề cử cho giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Đánh giá từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, ho gà là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Hằng năm ước tính trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu người mắc ho gà, trong đó 95% số trường hợp mắc bệnh ở các nước đang phát triển và có khoảng 300 nghìn người chết. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ho gà tiếp tục tăng ở những trẻ còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi để được tiêm chủng vào lúc hai tháng tuổi hoặc được tiêm chủng đầy đủ ba liều vắc-xin cơ bản phòng bệnh ho gà. Điều đáng lo ngại là phần lớn các trường hợp mắc ho gà nặng và tử vong xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng chưa được tiêm phòng.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương GS, TS Đặng Đức Anh, đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam, áp dụng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván cho phụ nữ có thai tại thời điểm 18 đến 36 tuần tuổi thai với mục đích tăng cường miễn dịch, chủ động phòng bệnh ho gà từ mẹ truyền cho con, bảo vệ trẻ ngay từ lúc sinh và trong giai đoạn hai tháng tuổi trước khi trẻ bắt đầu được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam mô tả sự đáp ứng kháng thể bà mẹ và trẻ sinh ra đã tiêm phòng vắc-xin ho gà vô bào của các hãng khác nhau. Sự ảnh hưởng của việc sử dụng các kháng nguyên khác nhau trong công thức sản xuất vắc-xin về độ chuẩn, cũng như tác động ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ cần được tiếp tục nghiên cứu so sánh trong tương lai. Nhất là nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh tiêm phòng vắc-xin ho gà cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ho gà ở trẻ nhỏ.

Đây cũng chính là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo trong việc đánh giá ảnh hưởng của nồng độ kháng thể mẹ đối với trẻ tiêm phòng vắc-xin ho gà toàn tế bào; nghiên cứu so sánh các loại vắc-xin thương hiệu khác nhau cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai có thể làm sáng tỏ sự khác biệt về chất lượng và số lượng giữa các kháng thể do bà mẹ sinh ra.

PGS, TS Hoàng Thị Thu Hà, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, công trình nghiên cứu mang lại các kết quả có ý nghĩa khoa học, đã đánh giá được tính an toàn của vắc-xin phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván (là loại vắc-xin hấp phụ, giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu giảm liều và ho gà vô bào) trên phụ nữ có thai tại Việt Nam. Đây là bằng chứng góp phần khuyến cáo sử dụng vắc-xin này cho phụ nữ có thai nhằm phòng bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván, với một liều duy nhất. Công trình cũng đã đáp ứng kháng thể ho gà ở máu bà mẹ và cuống rốn sau khi tiêm phòng vắc-xin ở thời kỳ mang thai. Sau khi tiêm vắc-xin đáp ứng miễn dịch tốt, nồng độ kháng thể kháng ho gà, bạch hầu, uốn ván ở các bà mẹ đều tăng cao so với trước khi tiêm.

Đồng thời, nồng độ kháng thể ở máu cuống rốn cao hơn rõ rệt ở nhóm trẻ là con của những phụ nữ được tiêm vắc-xin phòng bệnh khi mang thai, chứng minh khả năng bảo vệ trẻ ở giai đoạn khi mới sinh và trước khi tiêm mũi vắc-xin phòng bệnh ho gà đầu tiên theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia. Thông qua đó, đánh giá được việc tiêm phòng đủ ba mũi theo lịch của chương trình Tiêm chủng quốc gia đã bảo đảm hiệu quả phòng bệnh ho gà ở trẻ sau tiêm. Nghiên cứu cũng chỉ ra được sự tương tác khi tiêm nhiều kháng nguyên và ảnh hưởng của kháng thể do mẹ truyền đối với đáp ứng vắc-xin bạch hầu và uốn ván.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra các hướng nghiên cứu khác, không chỉ tập trung ở bệnh ho gà mà còn cung cấp các thông tin về mức tồn lưu kháng thể kháng bạch hầu ở các phụ nữ Việt Nam là thấp, không đủ khả năng phòng bệnh. Thêm nữa, với các kết quả nghiên cứu, nhất là ở khía cạnh chẩn đoán huyết thanh học và dịch tễ học, đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, giám sát dịch bệnh trong quá trình nghiên cứu bệnh lâu dài, đồng thời nâng cao chất lượng phòng và ngăn ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng, là một trong những mục tiêu then chốt của ngành y tế. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực chuyên môn, hợp tác nghiên cứu khoa học của cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam cũng là một trong những thành quả mà đề tài đã thu được.

Theo: Báo Nhân dân


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.019
Tháng 11 : 159.135
Năm 2024 : 2.740.637
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.539.151