Lễ dâng hương tưởng niệm Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã dâng hương tưởng niệm tại khu mộ và nhà thờ của Đại danh y.
Sáng 27/12, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024). Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện Hội đồng họ Lê Việt Nam.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành và huyện Hương Sơn; đại diện Hội đồng họ Lê Hà Tĩnh.
Tham dự lễ dâng hương còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác. Ông là con thứ bảy trong một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Thuở nhỏ, ông theo cha học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả nho, y, lý, số…
Ông là người học cao hiểu rộng nhưng đã từ quan về để học nghề y, dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp "trị bệnh, cứu người".
Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả, đức hy sinh nhẫn nại, tận tâm, lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học Việt Nam, là tấm gương sáng về y đức - y đạo - y thuật cho muôn đời noi theo.
Ông luôn tâm niệm: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi kể công". Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện tâm niệm của mình.
Ông đã sưu tầm phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo), tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân. Trong cuộc đời làm thuốc, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y học cổ truyền Việt Nam, để lại cho hậu thế những di sản vô giá thể hiện trong bộ sách "Y Tông Tâm Lĩnh" gồm có 28 tập, 66 quyển.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một lương y tài đức vẹn toàn, trí thức lỗi lạc, và nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam thế kỷ XVIII. Đại danh y đã để lại cho hậu thế những di sản quý giá về y học, văn học, văn hóa, và khoa học.
Việc UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ông đối với xã hội và cộng đồng. Sự kiện này đồng thời góp phần khẳng định giá trị của nền y học cổ truyền Việt Nam trên bản đồ y học thế giới.
Nhật Thắng