Hoa nở giữa đời thường!
Có những nhiệm vụ thầm lặng tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực ra lại đòi hỏi sự tập trung và cẩn trọng cao độ. Kỹ thuật viên xét nghiệm Covid-19 là một trong những công việc như thế, bởi đối với các mẫu xét nghiệm Covid-19, chỉ cần một sơ ý nhỏ cũng sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Vượt lên trên những nỗi lo về nguy cơ cao bị lây nhiễm, nữ nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) vẫn ngày đêm thầm lặng chiến đấu trên mặt trận chống giặc Covid-19, xứng danh là "Đóa hoa giữa đời thường".
Tôi may mắn được gặp chị Phạm Thị Thanh Ngân (SN 1976) - kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa cận lâm sàng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh trong một lần tác nghiệp tại đơn vị này. Phía sau chiếc khẩu trang y tế là đôi mắt thâm quầng, trũng sâu bởi quá trình thức đêm dài đằng đẵng chưa xác định thời gian kết thúc. Thay vì bắt tay xã giao, chị dùng ánh mắt cười và một cái gật đầu thân thiện để chào hỏi tôi. Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít hàng giờ liền, nhưng trên người chị vẫn toát lên khí chất điềm đạm, bình tĩnh hiếm có. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với chị, tôi cũng cảm nhận được nhiệt huyết, sự ân cần và cởi mở của người "chiến sỹ" áo trắng này.
Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, chị Ngân cho biết: Năm 1999 sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Kỹ thuật Y tế 1- Bộ Y tế, đào tạo KTV Xét nghiệm (tiền thân của Trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương bây giờ), chị được phân công về công tác tại khoa cận lâm sàng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho đến nay. Với lòng yêu nghề của mình, hơn 20 năm qua, chị Ngân đã miệt mài nghiên cứu tài liệu, bổ sung, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước và không ngừng nỗ lực, cố gắng trong quá trình thực hành. Nhờ đó, chị đã cùng với đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Đối với chúng tôi, việc lấy mẫu xét nghiệm, tiếp nhận mẫu xét nghiệm từ tuyến dưới chuyển lên, đồng thời thực hiện xét nghiệm vừa là nhiệm vụ chuyên môn, vừa là trách nhiệm với cộng đồng. Từ khi có dịch bùng phát, do nguồn nhân lực ít, khối lượng công việc lớn nên tất cả các thành viên đều phải làm việc không kể ngày đêm để có kết quả nhanh nhất nên mỗi ngày chỉ được nghỉ vài ba tiếng thôi. Nghĩ đến việc mọi người luôn chờ đợi kết quả xét nghiệm để quyết định vấn đề tiếp theo, nên đòi hỏi chính mình phải có sự chính xác vô cùng cao. Chúng tôi luôn ý thức rằng, nếu lỡ bất cẩn thì hậu quả sẽ rất khó lường"- Chị Ngân chia sẻ.
Do người ít, bệnh phẩm nhiều, kỹ thuật viên xét nghiệm luôn phải làm việc với tinh thần tập trung cao độ, tuân thủ nghiêm từng bước, từng quy trình xét nghiệm. Những ngày cao điểm này, cán bộ, kỹ thuật viên làm công tác xét nghiệm ở CDC Hà Tĩnh không chỉ âm thầm hàng ngày “làm bạn” với virus phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày, đơn vị lấy và xét nghiệm 6.000 - 7.000 mẫu, có ngày gần 17.000 mẫu mà họ cũng sẵn sàng đi đến những nơi cơ sở cần, dù đêm khuya hay sáng sớm. Một mẫu xét nghiệm phải trải qua nhiều bước, từ bước 1 đến bước 13. Dù ở trong phòng thí nghiệm hay xuống vùng dịch tễ, thì vẫn đầy rủi ro, tiềm ẩn vô số nguy cơ lây nhiễm.
“Quy trình xét nghiệm gồm nhiều bước, từ khâu lấy mẫu, sắp xếp mẫu, đánh code, sau đó đưa vào phòng tách chiết mẫu để tách chiết thu ARN của vi rút, pha mix, tra ARN, tiến hành chạy máy và phân tích kết quả. Khâu nào cũng quan trọng cả, nhưng vất vả nhất là khâu tách chiết, vì công việc khi hút mẫu phải thực hiện bằng tay nên rất nguy hiểm. Môi trường làm việc lại rất nghiêm ngặt. Ai nấy phải mặc đồ bảo hộ, đeo kính, đeo tấm chắn rất khó chịu. Tuy vậy, phải tập trung cao độ để thao tác cho chính xác, vì chỉ cần một sơ suất có thể làm hỏng cả “mẻ” xét nghiệm" - KTV Phạm Thị Thanh Ngân chia sẻ thêm.
Dẫu cho môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều rủi ro như thế, nhưng " các chiến sĩ " áo trắng vẫn lạc quan khi biết rằng, toàn thể người dân Hà Tĩnh đang đặt niềm tin, hy vọng vào họ. Việc sớm có kết quả xét nghiệm chính xác có vai trò rất quan trọng để có thể nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly đặc biệt ngay từ những giờ đầu để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Nhận xét về kỹ thuật viên Phạm Thị Thanh Ngân, BS- CKI Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng khoa cận lâm sàng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết, chị Phạm Thị Thanh Ngân là một kỹ thuật viên có chuyên môn vững, cần cù, tích cực, không quản ngại khó khăn, khi nào cần là chị Ngân đều có mặt. "Làm hết việc, không làm hết giờ" đó là phương châm trong công tác nhưng cũng là “bí quyết” giúp kỹ thuật viên Phạm Thị Thanh Ngân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của cấp trên cũng như anh em trong đơn vị.
Với những đóng góp của mình trong công tác chuyên môn, kỹ thuật viên Phạm Thị Thanh Ngân luôn là tấm gương sáng của các đồng nghiệp. Năm 2020, chị được tặng chiến sỹ thi đua cơ sở trong ngành y tế và được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trở về nhà trên con đường vắng lặng không một bóng người trong thành phố đang thực hiện thiết lập cách ly y tế, làm tôi lại nhớ đến hình ảnh chị kỹ thuật viên lấy công việc làm niềm vui, coi khó khăn là động lực, đang miệt mài đêm ngày chiến đấu với dịch bệnh. Tin chắc rằng, có những tấm gương sáng như chị cộng với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc, đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được đẩy lùi như lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng, toàn dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch nhất định chúng ta sẽ chiến thắng như dân tộc Việt Nam ta đã từng nhiều lần chiến thắng”.