Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh- Nơi thắp sáng những niềm tin
Một vài bệnh nhân thẫn thờ ngồi bên cửa sổ hay lững thững bước chân trên hành lang với ánh mắt vô hồn; có bệnh nhân đang la hét, đập phá làm tóc tai bù xù, gương mặt hoảng loạn. Thấp thoáng bên cạnh họ là những chiếc áo trắng với ánh mắt hiền từ, nhẫn nại. Tất cả những hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh vào tâm trí chúng tôi khi gặp họ trong cái rét lạnh căm vào một buổi sáng tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh. Không dừng lại ở công việc chính của người thầy thuốc là khám bệnh, cấp thuốc điều trị, các y, bác sĩ nơi đây còn kiêm thêm nhiệm vụ “bảo mẫu” như chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Vất vả và đầy nguy hiểm nhưng những thầy thuốc nơi đây vẫn mặn nồng tình yêu công việc bằng trái tim nhân hậu, coi bệnh nhân như người thân của mình.
Nửa đêm, khi bác sĩ vừa mới nằm nghỉ lưng, cánh cửa phòng trực bị đạp tung và bệnh nhân bất chợt xông vào trong trạng thái kích động mạnh. Lần khác, bác sĩ đang ngồi khám, một bệnh nhân không có triệu chứng kích động gì lại đột ngột mang giao rượt đuổi cán bộ y tế không dưới vài ba lần. Đó chỉ là vài kỷ niệm khi làm thầy thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần của Bác sĩ Nguyễn Phi Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh. “Hơn 30 năm trong nghề, từng chăm sóc hàng nghìn bệnh nhân, bản thân tôi rất đồng cảm với nỗi bất hạnh của họ và nỗi buồn tủi của thân nhân người bệnh. Đã bao lần tôi và đồng nghiệp bị bệnh nhân chửi mắng, hành hung nhưng chính những thời điểm ấy tự trong lòng lại thấy cảm thương họ mà không hề giận người bệnh. Công tác lâu trong nghề, người thầy thuốc dần dần sẽ tự rút ra kinh nghiệm để không bị bệnh nhân hành hung” - bác sĩ Thọ chia sẻ.
Trong những năm qua, điều dưỡng trẻ Trần Khắc Tới của Khoa Cấp tính nam gắn bó với việc chăm chút cho những bệnh nhân nội trú. Ngoài việc theo dõi diễn biến bệnh của bệnh nhân để báo cáo với bác sĩ và thực hiện y lệnh của bác sĩ trong điều trị, điều dưỡng Tới cùng đồng nghiệp còn phải kiêm luôn công việc của một “bảo mẫu” như: Đưa bệnh nhân đi tắm, cắt tỉa móng tay, móng chân, cho bệnh nhân uống thuốc… Không ít lần anh cũng bị bệnh nhân mắng chửi, đấm đá. Đáp lại hành động đó của người bệnh là sự chăm sóc chu đáo, tận tình của anh dành cho họ. Niềm vui của anh cũng như các đồng nghiệp là những bệnh nhân từ bệnh nặng dần hồi tỉnh, trở về cuộc sống đời thường. Điều dưỡng Tới chia sẻ: “Những ngày đầu làm việc tại bệnh viện, tôi cũng cảm thấy lo lắng vì có nhiều bệnh nhân không tỉnh táo nên khi chăm sóc họ phản ứng bất thường không biết đâu mà tránh nhưng giờ tôi đã quen với công việc. Bệnh nào cũng khổ, nhưng có lẽ bệnh tâm thần là khổ nhất. Người bệnh được ai cho ăn gì ăn nấy, cũng không biết tự chăm sóc bản thân mình”.
Bệnh nhân Trần Hùng, 30 tuổi ở Đan Trung, Kỳ Trung, Kỳ Anh được đưa vào viện trong tình trạng bệnh tâm thần phân liệt nặng. Được các bác sĩ chăm sóc tận tình chu đáo, bệnh tình của anh hiện đã thuyên giảm hẳn. "Ở nhà, mỗi khi bệnh tái phát, con tôi cầm gậy đánh đuổi người thân, đốt quần áo, đập phá đồ đạc... Đã nhiều lần, gia đình phải nhốt đề phòng gây tai vạ cho người xung quanh. Nếu không có các bác sĩ, gia đình tôi không biết phải xử trí như thế nào"- Bố của bệnh nhân Hùng chia sẻ.
Bệnh nhân Trương Quang Trường, sinh năm 1982, trú tại xóm Bình Tiến, Thạch Tân, Thạch Hà xúc động chia sẻ: “Do di chứng của một thời gian nghiện rượu, nửa đêm tôi thấy xuất hiện các cơn đau nửa đầu, rối loạn cảm giác, người bất ngờ co giật. Tôi không biết mình vào đây từ lúc nào nhưng bây giờ tôi rất vui vì sức khỏe mình đã bình ổn và có thể trở về với gia đình. Tôi mang ơn các thầy thuốc của bệnh viện nhiều lắm.”
Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh được thành lập vào năm 2014 trên cơ sở Trạm Tâm Thần. Đây là bệnh viện chuyên khoa hạng III, với chỉ tiêu 50 giường bệnh. Do mới thành lập nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, bộ máy cán bộ còn thiếu, một số bộ phận phải kiêm nhiệm. Nhưng với sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ nên những năm qua bệnh viện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị khoảng trên 2.000 bệnh nhân với các dạng bệnh lý như rối loạn tâm thần cấp tính, bệnh kích động quậy phá cộng đồng; điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần và thực hiện chỉ đạo tuyến quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bệnh viện hiện đã triển khai một số kỹ thuật điều trị như: người bệnh có trạng thái kích động, người bệnh có hành vi tự sát, chống đối không chịu ăn uống, một số bệnh thường gặp trong chuyên khoa tâm thần.
Bác sĩ Đinh Nho Quang- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần chia sẻ: Trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ gặp nhiều khó khăn như người bệnh không ý thức được hành vi của mình nên thường có biểu hiện không ăn, không uống thuốc, không cho khám bệnh... Các bác sĩ bị một số bệnh nhân giật đứt cúc áo, giật kính, ống nghe, thậm chí bị lăng mạ, đánh đuổi xảy ra thường xuyên. Sở dĩ anh chị em bác sĩ, điều dưỡng gắn bó được với bệnh viện chính là vì cái tâm nghề nghiệp, bởi Bác sĩ công tác nơi đây không chỉ vất vả và gặp nhiều hiểm nguy, mà điều kiện bệnh viện còn nhiều khó khăn, áp lực về chăm sóc, quản lý, phục vụ bệnh nhân rất lớn... Tuy vậy, bệnh viện vẫn xác định công tác chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bệnh viện luôn chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin để chất lượng khám chữa bệnh ngày một tốt hơn. Người bệnh chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn vì vậy từ năm 2015 bệnh viện đã duy trì quỹ “Vì người bệnh tâm thần nghèo” trực tiếp hỗ trợ 3.400 suất cơm, trung bình 2 bữa ăn/ 1 tuần nhằm phần nào giúp cho người bệnh có thêm điều kiện vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Bác sĩ Quang cũng chia sẻ thêm , hiện nay rất nhiều người khi có triệu chứng bệnh tâm thần thì bản thân hoặc gia đình e ngại, tránh né không đi điều trị làm bệnh ngày càng nặng, nếu để bệnh nhân nặng mới đến điều trị thì hiệu quả giảm rất nhiều. Khi phát hiện những biểu hiện tâm thần, cách tốt nhất nên đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần sớm nhất để được khám. Để tránh mắc các bệnh tâm thần cần cân bằng cuộc sống bằng cách tránh áp lực công việc, biết cách nghỉ ngơi và chơi thể dục, thể thao.
Bệnh tâm thần không chỉ tàn phá sức khỏe của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và cộng đồng. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân dân hiện nay ngày càng cao. Theo số liệu điều tra của ngành Tâm thần Trung ương, khoảng 10 - 20% dân số có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải nhập viện khám và điều trị chiếm tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30. Với bàn tay nhân ái và những tấm lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã cho bệnh nhân tâm thần một mái ấm thực sự và là nơi hồi sinh của những mảnh đời bất hạnh.
Đoàn Loan