• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao vai trò của gia đình trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

Trước xu thế hội nhập với sự nở rộ của các loại văn hóa phẩm, lối sống phóng khoáng, mối quan hệ rộng mở trong khi lại thiếu trầm trọng kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản đã khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ như: mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục … Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) cần được quan tâm hơn từ các cấp, ngành, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ.

Trước xu thế hội nhập với sự nở rộ của các loại văn hóa phẩm, lối sống phóng khoáng, mối quan hệ rộng mở trong khi lại thiếu trầm trọng kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản đã khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ như: mang thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục … Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) cần được quan tâm hơn từ các cấp, ngành, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ.

Ngoài vai trò của nhà trường và các tổ chức xã hội,
cần hơn nữa vai trò của gia đình trong giáo dục giới tính, SKSS lứa tuổi vị thành niên

Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm CSSKSS tỉnh, điều dưỡng trưởng Phan Thị Thanh Hương - khoa Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và KHHGĐ gặp rất nhiều trường hợp sản phụ ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" được người nhà mang đến khám vì “rối loạn kinh nguyệt”, nhưng khi khám thì phát hiện ra thai 3-4 tháng tuổi, thậm chí 6-7 tháng tuổi.  Các em chỉ vì phút nông nổi đã “hết mình” với tình yêu đầu đời để rồi nếm “trái đắng” khi làm mẹ ở lứa tuổi trăng tròn, bỏ dở ước mơ đèn sách. Chị còn nhớ như in trường hợp em Nguyễn Thị T (16 tuổi), học sinh lớp 10 ở thành phố Hà Tĩnh là một minh chứng. Mẹ đi làm ăn xa, em lớn lên trong sự nuôi dạy của bố nên bố em khá dè dặt khi trao đổi với con về sức khoẻ sinh sản, ông coi trách nhiệm này là của nhà trường. Sau khi được biết con gái đang mang thai tới tuần thứ 24 và các bác sỹ khuyên không thể phá bỏ thì người bố đã bị sốc. Ông không thể kìm nổi những giọt nước mắt hối hận, day dứt muộn màng về vai trò làm cha của bản thân mình ngay tại phòng khám. Sau này, em T phải xin tạm nghỉ học để làm mẹ. Trường hợp của em T chỉ là một trong vô vàn câu chuyện buồn của việc yêu “mạnh dạn” nhưng lại không đủ kiến thức để phòng tránh những hậu quả cho mình. Mang thai khi còn đang ở lứa tuổi vị thành niên dẫn đến phải sinh con ngoài ý muốn hoặc nạo hút gây tổn thương lớn đến tinh thần, nhiều em mắc bệnh trầm cảm, thậm chí vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ.

Số liệu báo cáo của Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, Hà Tĩnh hiện có 274.918 trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên. Nếu như năm 2015 có 312 em mang thai ngoài ý muốn thì năm 2016 có 195 em. Số ca nạo phá thai năm 2015 là 12, năm 2016 có 29 ca. 6 tháng đầu năm 2017 là 8 ca. Theo Bác sĩ Trần Thị Kim Phương – Trưởng khoa CSSKVTN- Nam học thì đây là con số thấp hơn nhiều so với thực tế vì hầu hết các đối tượng thanh niên chưa kết hôn, VTN mang thai ngoài ý muốn khi đến các địa chỉ thực hiện dịch vụ nạo hút thai đều yêu cầu giữ bí mật. Một bộ phận trẻ lỡ mang thai đã phải lén lút nạo phá thai ở những cơ sở y tế không đảm bảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và để lại di chứng trong cuộc sống sau này.

Bác sĩ Bùi Quốc Hùng- Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ tuổi thiếu niên để bước vào tuổi người lớn. Trong giai đoạn này, nhân cách, hành vi của trẻ đang được hình thành. Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ có những chuyển biến lớn về tâm lý, thường hoang mang về thể xác, muốn tìm tòi, khám phá về giới tính của mình và của những người khác giới. Thiếu sự hiểu biết về thụ thai, đặc biệt là sự kém hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một trong những yếu tố dẫn đến việc thiếu niên mang thai. Nếu không được chuẩn bị, khi bước vào tuổi dậy thì, các em dễ bị quật ngã vì sức ép của bản năng. Các em gái ở độ tuổi từ 13 – 19, khi mang thai thường có nguy cơ sinh non cao gấp nhiều lần so với phụ nữ đã trưởng thành. Tỷ lệ tử vong của trẻ em sinh ra do các bà mẹ trẻ cũng cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Để hạn chế tình trạng mang thai tuổi VTN, cha mẹ vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy nhất của các em nhưng hiện nay vẫn có không ít phụ huynh bên cạnh thiếu kiến thức về SKSS lại còn mang nặng tâm lý e ngại, không chủ động trong việc giáo dục giới tính cho con mình. Họ không đồng ý cho con em mình tiếp xúc với những kiến thức về SKSS và quan niệm đó là "vẽ đường cho hươu chạy". Vấn đề CSSKSS hầu như các em chỉ nắm được nhờ vào kiến thức ít ỏi học ở trường và thông tin thu thập trong các buổi ngoại khóa.

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, nhu cầu giáo dục giới tính từ trong gia đình là điều mà các em rất cần đến. Các bậc cha mẹ hãy dùng các phương cách để truyền đạt kiến thức giới tính tới con cái với tất cả sự yêu thương, gần gũi. Mục đích mà chúng ta muốn nhắm đến là làm sao cho các em VTN/TN hiểu và đón nhận một cách đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của người nam và người nữ trưởng thành trong cuộc sống vợ chồng, trong gia đình và trong xã hội.  Nếu cần, phụ huynh cũng nên tìm đến các Trung tâm tư vấn SKSS để giúp giải quyết sự việc một cách ổn thoả.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là công việc phức tạp và tế nhị; lứa tuổi này rất cần sự đồng cảm, sẻ chia, sự chung tay của toàn xã hội. Ngoài vai trò của nhà trường và các tổ chức xã hội, còn cần hơn nữa vai trò của gia đình trong giáo dục giới tính, SKSS lứa tuổi vị thành niên, giúp các em tự tin vững bước vào đời.

Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 665
Tháng 11 : 151.781
Năm 2024 : 2.733.283
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.531.797