Chuyện của những gia đình cùng chống dịch COVID-19
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy cam go và quyết liệt. Câu chuyện về các y, bác sĩ vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn đời cùng kề vai sát cánh, gửi con nhỏ cho người thân chăm sóc để bảo vệ sự an yên của mỗi gia đình, càng khiến chúng ta ấm lòng và tin tưởng "cuộc chiến" này sẽ sớm kết thúc. Ở họ có những khó khăn, vất vả không thể nói bằng lời nhưng tựu chung một ý chí, một tinh thần mạnh mẽ “đối mặt và quyết tâm vượt qua dịch COVID-19 để cuộc sống sớm bình yên trở lại”.
Gác lại mọi công việc riêng, gửi con cho ông bà, vợ chồng anh Phan Huy Thông (38 tuổi), cán bộ khoa Sức khỏe môi trường- Y tế trường học- Bệnh nghề nghiệp và chị Nguyễn Thị Huyền (33 tuổi), kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Cận lâm sàng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh cùng tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hàng ngày, chị Huyền mải miết với công tác lấy mẫu và làm xét nghiệm; anh lên đường vào các điểm nóng điều tra, truy vết F0, F1, F2. Có những thời điểm khoa Cận lâm sàng phải thực hiện xét nghiệm với trên 10.000 mẫu, chị Huyền cùng anh em trong khoa không có thời gian chợp mắt, mỗi ngày chỉ được ngủ 2-3 tiếng để lấy lại sức. Áp lực về thời gian và nguy cơ bị lây nhiễm cao là vậy nhưng chị không cho phép bản thân gục ngã. Hơn ai hết chị Huyền là người hiểu rõ mức độ nguy hiểm, sự lây lan kinh khủng của virus SARS-CoV-2 như thế nào nên có nhiều đợt dịch chị phải cách ly hẳn trong phòng xét nghiệm. Hai vợ chồng làm việc cùng cơ quan nhưng có khi cả 1 tuần không hề gặp mặt, việc chăm sóc con đành nhờ cả vào người thân. “Công việc phải làm liên tục nên ít có thời gian gọi điện về nhà trò chuyện với con cho đỡ nhớ. Cũng rất thương con nhưng cả hai vợ chồng luôn được gia đình 2 bên động viên nên chúng tôi vững tâm công tác", chị Huyền chia sẻ.
Cũng phải gửi hai con còn nhỏ cho người thân chăm sóc, cặp vợ chồng cử nhân y tế công cộng Nguyễn Thùy Phong (1986)- Trưởng phòng kế hoạch Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên và anh Trần Công Thái (1982)- Khoa Ký sinh trùng- Côn trùng- CDC Hà Tĩnh sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, mọi nhà. Mấy tháng dịch bùng phát là ngần ấy thời gian anh Trần Công Thái trực tiếp tham gia tổ truy vết tại các điểm nóng trong tỉnh. Mọi công việc gia đình, con cái, việc cơ quan chị Phong đảm đương hết. Khi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên xuất hiện nhiều đợt dịch với các ca cộng đồng không rõ nguồn lây, công việc của chị trở nên nặng nề hơn khi chị là đầu mối để cập nhật phần mềm trong sàng lọc các mẫu xét nghiệm. Bằng sự nhiệt huyết, linh hoạt của tuổi trẻ, chị Phong đã trực tiếp giám sát, hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở cài đặt phần mềm, nhập mẫu để kịp thời xét nghiệm trong các đợt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn huyện. Vợ chồng chị luôn đi làm từ lúc con đang ngủ say và trở về nhà khi đã 1-2 h sáng. Dù ở rất gần các con, anh chị vẫn không dám gặp vì bảo vệ sự an toàn cho các cháu. Anh chị luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để sớm được gặp và chơi vui cùng các con.
Ngay khi vừa trở về sau thời gian dài tăng cường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh, điều dưỡng Nguyễn Quyết – khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xung phong chi viện cho Bình Dương dù vợ anh cũng làm ngành y, thường xuyên trực và tham gia chống dịch; 2 con song sinh mới học hết lớp 1, phải gửi ông bà chăm ở huyện Nghi Xuân. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, anh xác định, mỗi người đều phải hy sinh niềm riêng để chia sẻ, giúp đỡ tỉnh bạn lúc khó khăn. Thời gian anh tham gia chống dịch, vợ anh - chị Trần Thị Tình, công tác tại khoa Tim mạch- Lão học bệnh viện ĐK tỉnh phải lo lắng, cáng đáng mọi công việc. “Cũng thương vợ, thương con, nhưng nghĩ đến nhiều người trong vùng dịch đang cần được giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe, tôi lại tiếp tục xung phong lên đường. Gia đình, đồng nghiệp và cơ quan luôn động viên, tạo điều kiện, giúp đỡ nên tôi cũng yên tâm. Kết thúc đợt chi viện Bình Dương, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ cho đợt chi viện mới vì mình còn trẻ nên cứ cống hiến thôi”, anh Quyết chia sẻ kế hoạch của mình. “Hy vọng chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Sau đó sẽ cùng nhau về quê đón con, đoàn tụ gia đình, khi ấy niềm vui sẽ thực sự trọn vẹn”, anh Quyết cho biết thêm.
Có lẽ, đó không chỉ là những tâm tư, chia sẻ, mong muốn của riêng vợ chồng anh Quyết mà là mong mỏi của nhiều cặp vợ chồng y, bác sĩ khác trong tâm dịch, của những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận phòng, chống Covid-19. Tất cả vì mục tiêu chung chiến thắng đại dịch, chiến thắng Covid-19.
Ngân Khánh