Chủ động tiêm vắc-xin ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19
Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin để tăng cường khả năng miễn dịch nhằm ứng phó với những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh SK&ĐS.
Những ngày qua, trên địa bàn cả nước ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc COVID-19. Trong ngày 22/4, Bộ Y tế cho biết có 2.337 ca mắc COVID-19 mới. Tính từ ngày 17/4 cho đến ngày 21/4, số ca mắc COVID-19 luôn ở mức trên 1.000 ca. Điều này đặt ra nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu không kịp thời có các giải pháp phòng, chống.
Cùng với việc tuân thủ các khuyến cáo: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thì việc tiêm vắc-xin là giải pháp đặc biệt quan trọng để phòng, chống hiệu quả với dịch bệnh. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian gần đây, người dân chưa có sự chủ động, tự giác trong việc tiêm phòng.
Bác sỹ Trương Thị Diệu Thúy - Trưởng trạm Y tế xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: Khi có vắc-xin phân bổ về, trạm đều thông báo rộng rãi cho người dân nắm bắt để đến tiêm. Tuy nhiên, số người dân chủ động đến tiêm là không lớn, nhất là người lớn. Nguyên nhân của việc người dân chưa chủ động là do tâm lý chủ quan.
Còn theo bác sỹ Phạm Thị Hiền - Trưởng trạm Y tế phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), trong đợt tiêm thứ 36 cho người lớn, trạm được phân bổ 100 liều nhưng đến nay, đã qua rất nhiều ngày số người đến tiêm vẫn chưa nổi 20 người. Còn đối với trẻ em, nhờ phối hợp tốt với nhà trường, nên đợt 19 vừa rồi vẫn đạt được kết quả khá khi tiêm đạt tỷ lệ 88,7%. Việc người dân không đến tiêm chủng chủ yếu là do thời gian qua, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả nên nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là với dịch và ngại đi tiêm vắc-xin.
Người dân cần chủ động đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 khi đến lượt.
Theo tổng hợp mới nhất từ Sở Y tế, đợt tiêm thứ 36 dành cho người lớn được triển khai từ ngày 6/3 với số lượng 20.300 liều nhưng đến nay, các địa phương mới chỉ tiêm được gần 9.000 liều, đạt 44%.
Còn đối với đợt tiêm thứ 19 dành cho trẻ em, triển khai từ ngày 3/3 với số lượng 8.700 liều nhưng đến nay, các địa phương chỉ mới tiêm được 3.438 liều, đạt tỷ lệ 40%. Hiện, tỷ lệ trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm đủ 2 mũi mới chỉ đạt trên 80,3%; từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiêm mũi nhắc lại lần 1 là trên 80,1%; từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 là 92,4%.
Trạm Y tế phường Thạch Linh tổ chức rà soát và tiêm chủng cho các em học sinh ngay tại trường học.
Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Để chủ động phòng, chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tự giác đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; rửa tay khử khuẩn thường xuyên thì mọi người cần phải chủ động đi tiêm chủng vắc-xin COVID-19 khi đến lượt để củng cố miễn dịch.
Đặc biệt, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng để bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.
Các nhóm người bị bệnh nền cần được ưu tiên trong tiêm chủng để tránh chuyển nặng và tử vong khi nhiễm COVID-19.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có công văn 2116/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều biện pháp. Trong đó, cần đẩy mạnh rà soát cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Đồng thời, công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.