Cẩn trọng khi chọn cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp
Xã hội phát triển, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện kéo theo nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng. Đáp ứng nhu cầu của người dân hàng loạt các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp cũng mọc lên, tuy nhiên không phải cơ sở làm đẹp nào cũng đảm bảo vì vậy khi có nhu cầu làm đẹp người dân cần sáng suốt lựa chọn cơ sở uy tín; có giấy phép hoạt động hoặc có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định; có đội ngũ y bác sĩ có trình độ hoặc người có giấy chứng nhận (hoặc chứng chỉ) đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp… để được làm đẹp an toàn, chất lượng, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận một trường hợp tử vong do tai biến thẩm mỹ. Nạn nhân là chị T.T.P.A. (44 tuổi, ngụ Bình Dương), trước đó được phẫu thuật thẩm mỹ mũi tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP HCM. Sau khi tiền mê, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân đã hôn mê sâu, ngưng hô hấp tuần hoàn, sau đó tử vong.
Mới đây, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nôi) cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất thị lực hoàn toàn mắt trái sau khi tiêm filler nâng mũi. Trước đó, bệnh nhân đã tiêm filler nâng mũi tại spa của người quen. Tiêm xong khoảng 10 phút, khi đang nắn chỉnh mũi, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nóng toàn bộ đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật…, mắt trái không nhìn thấy gì nữa. Bệnh nhân được chuyển cấp cứu tới bệnh viện huyện, rồi về Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sau đó chuyển khẩn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị sau gần 1 tuần mới cả thiện sức khỏe.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay cũng đã có khoảng 10 bệnh nhân vào khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được tư vấn, điều trị do biến chứng của việc làm đẹp; trong đó có nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng như da nổi các cục hạch do tiêm thuốc không tan, nhiễm trùng da sau phẫu thuật, viêm da tiếp xúc, dị ứng thuốc và sản phẩm tại các cơ sở làm đẹp, da sưng tấy mẩn đỏ…
Chị Phạm Thị Nh. (54 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê), cho biết: Do thời gian gần đây xuất hiện nhiều nám da, môi khô, nên muốn được “tân trang” cải thiện sắc đẹp. Tôi tìm đến một spa gần nhà để làm đẹp, tại đây được tư vấn dùng các loại thuốc theo tư vấn của chủ spa để làm căng môi, mịn da. Tuy nhiên sau khi dùng thuốc và thực hiện xăm môi được 1 ngày môi sưng tấy, xuất hiện các cục nhỏ li ti, đau nhiều, suốt cả tuần không ăn được gì, lo sợ nên phải tới khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, tư vấn và dùng thuốc. Sau ít ngày dùng thuốc đến nay chị đã đở nhiều, ăn uống tốt.
Tương tự, chị Nguyễn Phương T., ở xã phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh cũng tiến hành điều trị nám da tại một spa trên địa bàn, tại đây chị được chủ spa điều trị bằng việc cho bôi kem và tiến hành đốt bằng Laze, nhưng quá trình điều trị chị bị xuất hiện các mẫn đỏ khắp mặt, sau khi đi khám tại bệnh viện thì được bác sĩ giải thích do dùng mỹ phẩm không hợp với da của chị nên bị dị ứng.
Theo ghi nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, Khoa Mắt- Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận một số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về mắt do làm thẩm mỹ như nối mí mắt, làm cong mí mắt, mở rộng mí mắt, mở góc mắt… Có những trường hợp khi đến khám đã bị viêm, loét, trầy xước giác mạc phải nhập viện điều trị nhiều ngày mới khỏi hoặc phải chuyển tuyến trên điều trị.
Bác sỹ CKI Lê Viết Long, Phó Trưởng khoa Da liễu, bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cũng cho biết: Khi vào khoa khám có nhiều trường hợp điều trị rất khó trong việc dùng thuốc, vì chúng tôi không biết loại thuốc mà spa sử dụng làm đẹp cho khách hàng trước đó, còn khách hàng thì cũng không rõ. Những biến chứng này xảy ra chủ yếu là người thực hiện không phải là người có đủ chuyên môn, được đào tạo bài bản theo đúng quy định hoặc cơ sở thực hiện không có đủ điều kiện an toàn, vệ sinh vô khuẩn. Thêm vào đó, một bộ phận khách hàng ham rẻ, thích sự tiện lợi, nhanh chóng mà không tìm hiểu hoặc chịu khó tới các cơ sở đạt chuẩn để được khám xét kỹ lưỡng trước khi làm dịch vụ thẩm mỹ.
Bác sỹ Long khuyến cáo " khi đi làm đẹp, chị em cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về cơ sở làm đẹp cho mình, chọn các cơ sở lớn có uy tín, có chuyên môn và được cấp phép hoặc đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh thông tin trong đó thông tin online quảng cáo rất mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là kênh thông tin chỉ có tính chất tham khảo, mà quan trọng nhất vẫn cần phải tìm hiểu thực tế".
Đặc biệt, mọi người chỉ nên đến các cơ sở dịch vụ đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động trên cơ sở dữ liệu của Sở Y tế (Danh sách các cơ sở thông báo hoạt động được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế: http://soyte.hatinh.gov.vn/danh-muc/quan-ly-hanh-nghe-y-duoc/cac-co-so-cong-bo/danh-sach-co-so-thong-bao-dang-ky-hoat-dong-cua-co-so-dich-v9.html).
Hiện nay có 02 loại hình cơ sở làm đẹp:
1. Các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ: Các cơ sở này phải có giấy phép hoạt động và phải có bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Các cơ sở này được phép sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ: Các cơ sở này thuộc loại hình dịch vụ y tế không phải cấp phép nhưng phải có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định và chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm; được những người có giấy chứng nhận (hoặc chứng chỉ) đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp thực hiện; không được sử dụng các máy chiếu tia, sóng, đốt làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể.
BS Nguyễn Đình Dũng, Phó Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sở Y tế chưa cấp phép cho Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ngoài công lập nào, cũng không có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đang hoạt động. Có 10 Phòng khám chuyên khoa Da liễu có sử dụng các máy chiếu tia, sóng, đốt (máy Laze, Plasma..) được Sở Y tế phê duyệt các danh mục kỹ thuật điều trị các bệnh về nám, tàn nhang, bớt sắc tố, nốt ruồi, các tổn thương do virus, ..... (Danh sách các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế http://soyte.hatinh.gov.vn/danh-muc/quan-ly-hanh-nghe-y-duoc/quan-ly-hanh-nghe-y/co-so-kcb-tu-nhan/danh-sach-co-so-kham-benh-chua-benh-tu-nhan-da-duoc-cap-phep4.html); Có 38 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đã đăng ký thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Trên thực tế có một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ở một số địa phương hoạt động khi chưa đăng ký thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định hoặc hoạt động vượt quá phạm vi hoạt động theo quy định. Các cơ sở này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chăm sóc da mà còn thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ, dùng thuốc tê dạng tiêm, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật như: Nâng mũi, cắt mí mắt, tiêm filler, nâng ngực, tân trang vùng kín; sử dụng các máy laze, plasma để chữa nám, tàn nhang... chính vì vậy, người dân khi có ý định đi làm đẹp, nhất là thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn cần lựa chọn cơ sở làm đẹp có uy tín, đã đăng ký thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định, nhân viên có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo theo quy định, để được làm đẹp an toàn và chất lượng, tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. BS Nguyễn Đình Dũng, Phó Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế nhấn mạnh.
Nhật Thắng