• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là vấn đề ngộ độc thực phẩm(NĐTP) nếu không biết cách phòng chống. Ngộ độc thực phẩm không chỉ khiến con người mệt mỏi mà còn gây hại cho sức khỏe thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Mùa nắng nóng là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là vấn đề ngộ độc thực phẩm(NĐTP) nếu không biết cách phòng chống. Ngộ độc thực phẩm không chỉ khiến con người mệt mỏi mà còn gây hại cho sức khỏe thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Tại Hà Tĩnh, thời điểm này nắng nóng gây gắt, trung bình từ 37 đến 390c, có những ngày cao điểm lên đến 410c. Theo bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với 22 người mắc và 01 người tử vong. Để phòng chống NĐTP trong mùa nắng nóng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

PV: Bác sĩ cho biết, ngộ độc thực phẩm là gì và nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm?

Bs Phan Văn Hùng: Ngộ độc thực phẩm là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống do người ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia.... Nguyên nhân gây NĐTP rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:

- NĐTP do vi sinh vật, do virus, do ký sinh trùng, do nấm mốc và nấm men.

- NĐTP do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc. Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có độc tố tự nhiên: khi ăn phải các thực phẩm có độc tố tự nhiên như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu… rất có thể sẽ bị ngộ độc.

- NĐTP do nhiễm các chất hóa học: do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.

PV: Thưa bác sĩ, khi bị ngộ độc thực phẩm thường có các biểu hiện gì?

Bs Phan Văn Hùng: NĐTP thường biểu hiện dưới 02 dạng: ngộ độc cấp tính và ngộ độc mạn tính. Với mỗi loại, người bị ngộ độc thường biểu hiện các triệu chứng sau:

- Ngộ độc cấp tính: thường 30 phút đến vài ngày sau khi ăn thức ăn bị ô nhiễm thì có các biểu hiện: đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày(phân nước, có thể lẫn máu), đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380c… Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn.

- Ngộ độc mạn tính: thường không có dấu hiệu rõ ràng sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, những chất độc có trong thức ăn này sẽ tích lũy ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất, rối loạn hấp thu gây nên suy nhược, mệt mỏi kéo dài hay các bệnh mãn tính khác, cũng có khi chất độc gây biến đổi các tế bào, ung thư.

Bs thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh.

PV Khi bị NĐTP thì cách sơ cứu, xử lý tại nhà như thế nào, thưa bác sĩ?

Bs Phan Văn Hùng: Đối với trường hợp NĐTP nhẹ có thể xử lý tại nhà với biện pháp như sau: gây nôn bằng cách móc họng, lưu ý khi móc họng cho trẻ làm sao cho khéo để tránh xây xát họng trẻ. Nên đặt bệnh nhân nằm thấp và nghiêng sang một bên để móc thức ăn trong họng ra. Lau chùi bằng khăn mềm sạch sẽ. Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống dung dịch oresol loại 01 lít nước pha với một gói orezol hoặc 01 gói nhỏ(5g) pha với 200 ml nước. Nếu không có sẵn orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 01 lít nước. Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân đi ngoài trong thời gian đầu để tống chất độc ra ngoài. Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo loãng. Đặc biệt, đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở... cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và điều trị tiếp.

PV:  Vậy để tránh tình trạng NĐTP xảy ra thì nên phòng ngừa như thế nào thưa bác sĩ?

Bs Phan Văn Hùng: Để phòng ngừa NĐTP nhất là trong mùa nắng nóng, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay(trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn đóng hộp đã quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến. Nên chọn mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng so với ban đầu; không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.681
Tháng 07 : 26.253
Năm 2024 : 1.165.560
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.964.074