• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương

5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến mang đột biến gene CCR5 delta 32. Tuy nhiên, người thứ 6 đã khỏi HIV thần kỳ dù được cấy ghép tủy xương không mang đột biến gene này.

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV có biệt danh “bệnh nhân Geneva”. Đây có thể coi là một cột mốc mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS .

Người đàn ông Thụy Sĩ ở độ tuổi 50 đã không còn nhiễm HIV kể từ khi được ghép tủy xương điều trị bệnh bạch cầu vào năm 2018.

Các xét nghiệm liên tục sau đó không phát hiện HIV trong máu bệnh nhân nữa nên các bác sĩ đã chỉ định ngừng dùng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân kể từ tháng 11/2021.

5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến chứa đột biến gene CCR5 delta 32. Đây là loại đột biến gene ngăn cản HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch nhờ tạo ra các tế bào kháng HIV một cách tự nhiên.

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương điều trị bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tủy xương hiến không hề mang đột biến gene CCR5 delta 32 như 5 trường hợp trước đó.

Ở người thứ 6 khỏi HIV, bệnh nhân người Thụy Sĩ này đã sống chung với HIV kể từ những năm 1990 và được điều trị bằng thuốc kháng virus . Liệu pháp ART dành cho bệnh nhân sử dụng kết hợp các loại thuốc điều trị HIV mỗi ngày.

Vào năm 2018, bệnh nhân được điều trị bệnh bạch cầu bằng phác đồ hóa trị và sau đó ghép tủy xương.

Bệnh nhân được cấy ghép các tế bào gốc khỏe mạnh vốn là liệu pháp trong điều trị một số loại ung thư hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có thể có một số rủi ro đi kèm như tổn thương nội tạng, nhiễm trùng, vô sinh hoặc đục thủy tinh thể.

Sau ca cấy ghép tủy, các bác sĩ phát hiện ra rằng, các tế bào máu của “bệnh nhân Geneva” đã được thay thế hoàn toàn bằng tế bào máu do tủy xương hiến tạo ra, đồng thời, các tế bào nhiễm HIV đã giảm đáng kể.

Đến năm 2021, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không còn virus HIV trong người nên đã được dừng điều trị bằng thuốc ARV . Bệnh nhân này sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng 5 năm nữa.

“Những gì xảy ra với tôi thật kỳ diệu”, bệnh nhân này hạnh phúc nói.

Theo giới chuyên gia, phương pháp trị liệu đối với “Bệnh nhân Geneva” vẫn mang tính cá biệt, không thể áp dụng đại trà để điều trị cho người nhiễm HIV nói chung. Tuy nhiên, trường hợp này góp phần mở ra hiểu biết mới trong điều trị HIV.

TS. Alexandra Calmy, người đứng đầu đơn vị điều trị HIV/AIDS của Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: “Thông qua ca bệnh đặc biệt này, chúng tôi đang khám phá chân trời kiến thức mới với hy vọng một ngày nào đó, việc chữa khỏi HIV sẽ không phải trường hợp hiếm gặp”.

Ngoài bệnh nhân Geneva, 5 người trước đó được chữa khỏi HIV gồm các bệnh nhân ở California, New York, Berlin, London và Dusseldorf.

Hiện tại, có 8 loại thuốc điều trị ARV dành cho bệnh nhân HIV đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Theo Tổ chức Y tế xuyên lục địa Mỹ, các loại thuốc này được sử dụng kết hợp để tăng hiệu lực và giảm khả năng virus kháng thuốc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2022, có 39 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV và 630.000 người đã chết vì HIV/AIDS.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.363
Tháng 09 : 276.690
Năm 2024 : 2.241.906
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.040.420