• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nỗi lo khi triển khai bệnh án điện tử ở Hà Tĩnh

Chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin lớn khiến cho các cơ sở y tế Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Nỗi lo khi triển khai bệnh án điện tử ở Hà Tĩnh

Việc triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy ở các cơ sở y tế Hà Tĩnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giai đoạn từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tại cuộc họp gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục yêu cầu toàn ngành phải đẩy mạnh thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và triển khai đơn thuốc điện tử.

Bệnh án điện tử (Electric Medical Record - EMR) đóng vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh, bởi đây là cơ sở dữ liệu y khoa quan trọng, chứa đựng tất cả mọi thông tin về bệnh nhân từ chẩn đoán đến điều trị, biến động của các chỉ số sinh hóa, biểu đồ thuốc đã dùng... Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ mang đến nhiều lợi ích, nhất là truy xuất mọi dữ liệu dễ dàng, việc hội chẩn từ xa cũng trở nên rất thuận lợi. Hơn nữa, bệnh án cũng rất sạch và rõ ràng, hạn chế sai sót. Ngoài thuận tiện trong việc lưu trữ hồ sơ bệnh án thì hồ sơ bệnh án điện tử cũng giúp các bác sỹ, điều dưỡng tiết kiệm nhiều thời gian, công sức viết bệnh án bằng giấy...

Nỗi lo khi triển khai bệnh án điện tử ở Hà Tĩnh

Khi triển khai được bệnh án điện tử sẽ giúp các y bác sỹ tiết kiệm được nhiều thời gian để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Mặc dù Thông tư 46 quy định rõ lộ trình, Bộ Y tế có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng việc thực hiện tại cơ sở y tế, nhất là ở các địa phương là không hề dễ dàng. Theo lộ trình, từ năm 2024, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh bắt tay triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, với các điều kiện thực tiễn của đơn vị như hiện nay thì việc triển khai sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo Tiến sỹ Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, trở ngại lớn nhất để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vẫn là hạ tầng công nghệ thông tin. Bệnh án điện tử đòi hỏi phải đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại (máy chủ, máy tính cá nhân, phần mềm quản lý, vận hành và các phần mềm đi kèm như: HIC, LIS, truyền tải hình ảnh, hệ thống chữ ký số...) với nguồn kinh phí rất lớn (ước tính khoảng 30 - 40 tỷ đồng). Số kinh phí này vượt quá khả năng của bệnh viện.

“Chi phí về công nghệ thông tin thì nằm trong chi phí quản lý mà giá dịch vụ y tế lại không bao gồm chi phí quản lý nên rất khó để các cơ sở có nguồn lực thực hiện”, Tiến sỹ Lê Văn Dũng nhấn mạnh bất cập.

Nỗi lo khi triển khai bệnh án điện tử ở Hà Tĩnh

Chi phí đầu tư về hạ tầng CNTT lớn là rào cản đối với các cơ sở y tế Hà Tĩnh khi triển khai bệnh án điện tử.

Bác sỹ Dương Hùng Anh - Giám đốc BVĐK huyện Lộc Hà cho rằng: “Với những tiện ích về quản trị, chúng tôi cũng mong muốn sớm triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vẫn là vấn đề khó khăn nhất. Khi chi phí đầu tư cho CNTT chưa được kết cấu vào giá dịch vụ y tế thì việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ nguồn lực của ngân sách Nhà nước; đặc biệt, trong bối cảnh phải tự chủ về tài chính thì vấn đề nguồn lực để đầu tư cho nội dung này là rất khó khăn”.

Những khó khăn, vướng mắc đó cũng đang là rào cản chung đối với các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh trong lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46 của Bộ Y tế. Ngoài ra, việc lưu hồ sơ bệnh án như thế nào để bảo đảm hệ số an toàn, bí mật thông tin cho bệnh nhân hay chống xâm nhập của virus ra sao hoặc nếu mất mạng internet, thất thoát dữ liệu thì phải xử lý thế nào... cũng là những vấn đề khiến các đơn vị băn khoăn.

Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết, quan điểm của ngành về hồ sơ bệnh án điện tử là thực hiện theo lộ trình của Thông tư 46, đồng thời khuyến khích các đơn vị có điều kiện triển khai càng sớm càng tốt. Tuy vậy, hầu hết các cơ sở y tế đều ngần ngại triển khai do yêu cầu về hạ tầng công nghệ thông tin rất lớn.

“Khi ngân sách không thể hỗ trợ được thì vấn đề then chốt nhất để tháo gỡ vướng mắc là Bộ Y tế cần kết cấu chi phí đầu tư hạ tầng CNTT vào giá dịch vụ y tế, lúc đó, các cơ sở y tế mới có nguồn lực để triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Đình Dũng kiến nghị.


Nguồn: Báo Công Luận
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 63
Tháng 12 : 166.892
Năm 2024 : 2.967.480
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.765.994