• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Sáng 14/4 tại Quảng Ninh, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng năm 2022". Quảng Ninh là địa phương đầu tiên sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ thực hiện trước tiên ở nhóm trẻ lớp 6

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết theo thống kê hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 , trong số đó ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.

Uớc tính có khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19. Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã mắc sau 3 tháng.

Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số trẻ đã mắc được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ thực hiện trước đối với nhóm trẻ lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.

Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Hai loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này. Dự kiến, trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ đồng loạt được thực hiện tại các tỉnh thành phố khác trên cả nước.

Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Hiện có hai loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Modern a. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Vaccine tiêm cho trẻ ngày 14/4 là vaccine Moderna. Bộ Y tế đã có tập huấn và hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine này. Theo đó vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6 - dưới 12 tuổi. Liều tiêm 0,25ml - liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn, giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại.

PGS.TS Dương Thị Hồng

Liên quan kế hoạch tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã hướng dẫn tất cả địa phương trên cả nước xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tổ chức các điểm tiêm, qua đó đảm bảo an toàn cùng tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất.

Trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 không đến điểm tiêm vaccine

Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết qua khảo sát mới đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi . Khoảng 30% còn do dự.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng để hiểu rõ hơn khi đưa quyết định.

Đến nay hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng ở các quốc gia triển khai khác nhau: một số quốc gia triển khai cho nhóm trẻ có bệnh nền; một số quốc gia triển khai tiêm 01 mũi cho trẻ; nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ tiêm cho toàn bộ trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.

Các chuyên gia nhấn mạnh: Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1-2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới.

Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Tập huấn kỹ thuật kiểm soát đường thở (đặt nội khí quản, bóp bóng ambu) tại BVĐK Quảng Ninh để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trên địa bàn Ảnh: Hà Trang

Cũng về nội dung này, PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, với nhóm trẻ em 5 - dưới 12 tuổi, việc truyền thông hướng tới trực tiếp tới các phụ huynh, thầy cô, người chăm sóc và thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ.

Trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi. Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp.

Với những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.

“Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét…Nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ có các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét. Do đó, trẻ phải thực sự khỏe mạnh mới nên tiêm vaccine phòng COVID-19”- Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.

Các phụ huynh nên tuân thủ khuyến cáo ở lại điểm tiêm để theo dõi sau 30 phút nhằm xử lý kịp thời tình huống phản ứng phản vệ, đồng thời báo lại cho cán bộ y tế tình trạng của trẻ trước khi về. Khi về cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm.

Chuyên gia khuyến cáo gì về theo dõi trẻ từ 5- dưới 12 tuổi sau tiêm vaccine phòng COVID-19?

Về phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi , Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng cho biết các phản ứng sau tiêm đối với trẻ này tương tự như đối với nhóm từ 12 - 17 tuổi.

Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh.

Theo chuyên gia, một số phản ứng có thể xảy ra gồm phổ biến và bất thường như sốt, phát ban, tím tái, mệt mỏi, li bì,... có thể xảy ra sau 4-8 giờ. Các tình trạng này thường giảm sau 1-2 ngày đầu. Do đó, nếu những biểu hiện này có dấu hiệu trầm trọng trọng hơn, cha mẹ cần liên hệ và đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.

Liên quan việc chăm sóc trẻ sau tiêm chủng, TS. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – BV Nhi TW cũng chỉ rõ các mốc thời gian gia đình cần lưu ý là 30 phút, 24 giờ, một tuần và 28 ngày.

Với trẻ em sau tiêm 3 ngày và trở lại trường học, gia đình và thầy cô sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sức khỏe của trẻ.

Cụ thể, trẻ cần tránh vận động mạnh trong thời gian này. Các hoạt động thể lực phải được điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm.

Các chuyên gia cũng cho biết có trường hợp chống chỉ định với vaccine phòng COVID-19 gồm: Trẻ có dị ứng với thành phần của vaccine và từng có phản ứng nặng ở mũi đầu tiên.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.469
Tháng 10 : 105.832
Năm 2024 : 2.480.154
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.278.668